Ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, làm biến dạng di sản

Người làm công tác bảo tàng không được lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.

Quy tắc nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người làm công tác di sản văn hóa

Quy tắc nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người làm công tác di sản văn hóa

Trên đây là một trong số Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa vừa được Bộ VHTTDL ban hành theo Quyết định số 1000/QĐ-BVHTTDL.

Nhiều quy định chặt chẽ

Đáng chú ý, Điều 4 của Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp quy định rõ các quy tắc đối với người công tác trong lĩnh vực bảo tàng; lĩnh vực di tích; lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; lĩnh vực di sản tư liệu và thông tin.

Theo đó, quy tắc đối với người làm công tác trong lĩnh vực bảo tàng phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định, quy chế nội bộ của từng bảo tàng; Hiểu và tôn trọng giá trị của di sản văn hóa; Có thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, tôn trọng, chu đáo; Bảo đảm thông tin cung cấp cho khách tham quan chính xác và trung thực; Bảo đảm việc bảo quản các hiện vật, sưu tập hiện vật; Có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến hiện vật, sưu tập hiện vật khi được giao quản lý theo quy định; không được phép công bố hoặc chuyển cho bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân khác mà không được sự cho phép của người có thẩm quyền…

Không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa đồng nghiệp trong bảo tàng hoặc với khách tham quan bảo tàng; Không lợi dụng hoạt động chuyên môn của bảo tàng để gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, cộng đồng liên quan; Không được môi giới, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ vận chuyển trái phép các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản thiên nhiên.

Người làm công tác bảo tàng không được mua bán, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc bất hợp pháp; Không lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.

Không vi phạm các lợi ích của bảo tàng trong các hoạt động chuyên môn cá nhân; không được lợi dụng hoạt động của bảo tàng để thu lợi cho cá nhân hoặc lợi dụng nghề nghiệp tại bảo tàng để hỗ trợ bạn bè, người thân trục lợi cá nhân; Không được nhận quà tặng, các khoản cho vay hay các lợi ích cá nhân khác liên quan đến công việc trong bảo tàng…

Đối với người công tác trong lĩnh vực di tích: Luôn có ý thức, trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ di tích; Đảm bảo nghiên cứu chính xác, khoa học, cẩn thận, kỹ lưỡng các quyết định liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Không lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân trong các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Không được thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; Không được tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ.

Đối với người công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: Bảo đảm thực hiện đúng các quy định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Chính sách, quy định có tác động đến di sản văn hóa phi vật thể cần được trao đổi, thảo luận và thống nhất đảm bảo sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ của chủ thể di sản; Không lợi dụng hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể để đi ngược lại quyền sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản.

Đối với lĩnh vực di sản tư liệu và thông tin: Bảo đảm không làm biến đổi và giữ gìn tối đa thông tin gốc trong công tác phục chế, bảo quản; Tôn trọng, tuân thủ các thỏa thuận đối với các cá nhân, tổ chức, cộng đồng; Có tinh thần trách nhiệm, chuyên nghiệp, cẩn thận, trung thực để bảo vệ và quản lý di sản.

Có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản; Không được xâm phạm tới sự toàn vẹn, tính xác thực của di sản; Không được vì lợi ích cá nhân mà đặt sự tồn tại lâu dài của di sản tư liệu trước các mối đe dọa nguy hiểm; Không được xâm nhập cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trái phép; sử dụng, khai thác dữ liệu trái các quy định của pháp luật.

Góp phần gìn giữ di sản

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), mục đích của việc ban hành Quy tắc nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người làm công tác di sản văn hóa, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực, làm biến dạng, sai lệch và có nguy cơ mai một, hủy hoại di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người làm công tác di sản văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đánh giá cao việc Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa, ThS Phạm Thị Hoàng My, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm công tác bảo tàng, di tích cho rằng, Quy tắc đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người làm công tác di sản văn hóa, tôn trọng sự đa dạng của di sản văn hóa, không làm tổn hại đến di tích di sản, và uy tín của tập thể, danh dự, nhân phẩm của du khách, đồng nghiệp…

Bên cạnh đó, Quy tắc cũng khích lệ những người làm công tác di sản không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc; có ý thức đấu tranh với hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; đề cao quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chống lại việc buôn bán trái phép di sản văn hóa hoặc các hành động phi đạo đức trong lĩnh vực di sản văn hóa…

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa gồm 3 chương, 10 điều. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên phạm vi cả nước.

Ngoài Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp là Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa; Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông, không gian mạng và Quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác.

HÀ AN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/ngan-ngua-cac-hanh-vi-tieu-cuc-lam-bien-dang-di-san-127710.html