Ngăn ngừa, không để dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các địa phương đang thực hiện các giải pháp khống chế, dập dịch, không để lây lan diện rộng.
Tại Bắc Kạn: UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành văn bản số 3198/UBND-NNTNMT gửi hỏa tốc tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố nhằm tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập các đoàn và tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, thành phố theo quy định và báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra trước ngày 6/6/2024.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện: kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của mầm bệnh để chủ động tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cùng đó, chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật đầu mối tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp kiểm dịch đối với việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đảm bảo đúng quy định.
Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế ổ dịch mới phát sinh; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường như sông, suối, ao, hồ,... bán lợn ốm cho các tiểu thương, thợ thịt bán ở các chợ làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát, kịp thời phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, báo cáo chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện để kiểm tra, xác minh dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định; chủ động bố trí kinh phí, nhân lực để tổ chức thực hiện việc phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại ở các địa phương ngay trong tháng 5/2024, để phòng chống dịch bệnh động vật tránh lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh...
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Bắc Kạn, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 500 hộ dân ở 150 thôn của 45 xã, thuộc tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh, làm tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy trên 1.800 con với trọng lượng tiêu hủy trên 76 tấn. Đặc biệt, có một số xã trên địa bàn tỉnh đã để dịch tái phát trở lại và phải công bố dịch lần 2 như xã Cao Thượng (huyện Ba Bể) và phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn). Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 5 xã công bố hết dịch và 40 xã dịch chưa qua 21 ngày. Cơ quan chuyên môn nhận định bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang có diễn biến rất phức tạp và lây lan ra diện rộng...
Tại Bắc Ninh: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, từ tháng 4 trở lại đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi có dấu hiệu bùng phát trở lại và có nguy cơ lây lan diện rộng. Hiện các cơ quan chức năng tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Hiện các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi xuất hiện dịch bệnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất. Cùng với việc thực hiện khử trùng tiêu độc môi trường khu vực có dịch, các địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ tổng đàn vật nuôi trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo tình hình dịch bệnh, công khai các thôn làng có dịch bệnh để người dân biết và cùng chính quyền kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn trên địa bàn.
Theo Phó chi cục trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo, người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ để ngăn ngừa, khống chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi.
Về phía ngành chăn nuôi, thú y và thủy sản, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân không mua bán những thẩm không rõ nguồn gốc, không bán chạy động vật mắc bệnh; thông báo với các cơ quan chuyên môn khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Song song, ngành chăn nuôi, thú y và thủy sản cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phòng dịch, sử dụng hóa chất và vôi bột để xử lý môi trường ở các ổ dịch, các địa phương có dịch; chủ động phòng dịch tránh nguy cơ lây lan...
Trước đó, tình hình thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tiếp tục gia tăng là những nguyên nhân để dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.
Từ ngày 29/4 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 11 hộ thuộc địa bàn 5 thôn, khu phố, 3 xã, phường của huyện Lương Tài và thị xã Thuận Thành làm 98 con lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 2.500kg. Đáng lưu ý, các điểm xuất hiện dịch bệnh đều là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.