Ngăn ngừa người trẻ tiếp xúc sớm với các chất ma túy

Để bảo vệ thế hệ trẻ trước những hiểm họa của ma túy và các chất gây hại khác, việc ngăn ngừa người trẻ tiếp xúc sớm với các chất ma túy là giải pháp đặc biệt quan trọng.

Nhân Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6), các cơ quan chức năng phát đi thông tin cảnh báo về hiểm họa, tác hại của ma túy gây ra đối với người sử dụng, gia đình, xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Dẫn chứng là, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc phối hợp các lực lượng liên quan thực hiện đấu tranh, khám phá thành công hơn 14.400 vụ, bắt giữ hơn 23.000 đối tượng liên quan đến ma túy, thu giữ hơn 196kg heroin, 1,47 triệu viên ma túy tổng hợp và 882kg cần sa.

Nữ học viên dưới 18 tuổi tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở ma túy số 2 Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền.

Nữ học viên dưới 18 tuổi tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở ma túy số 2 Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền.

Số người sử dụng, người nghiện ma túy thuộc diện có hồ sơ quản lý chưa giảm. Hiện, các cơ quan chức năng ghi nhận gần 223.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, chủ yếu là ma túy tổng hợp, gây ra những tác hại khôn lường. Cần quan tâm, những người có tên trong danh sách quản lý chủ yếu là người trẻ, dưới 30 tuổi, thậm chí có những người dưới 18 tuổi.

Để bảo vệ thế hệ trẻ trước những hiểm họa của ma túy và các chất gây hại khác, các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ giải pháp. Trong đó, việc ngăn ngừa người trẻ tiếp xúc sớm với các chất được xếp loại là ma túy là giải pháp quan trọng.

Từ thực tế triển khai các hoạt động hỗ trợ người trẻ phòng, chống và giảm tác hại do ma túy, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho rằng, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều chất ma túy, chất hướng thần mới, “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống…, khiến người trẻ khó nhận biết. Các chất này, dù có “dán nhãn” là ma túy hay không, đều có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương và gây nghiện, nên cần ngăn ngừa người trẻ tiếp xúc.

Muốn vậy, người trẻ cần được trang bị “vắc xin” phòng, chống ma túy bằng tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình. Nói cách khác, người thân cần lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ, giúp trẻ tháo gỡ kịp thời những vấn đề gặp phải, qua đó, giúp người trẻ hình thành những suy nghĩ hành vi tích cực, đồng thời, có kỹ năng phòng, tránh các tình huống phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro.

Với những người trẻ vướng vào ma túy, bố mẹ, người thân trong gia đình, cộng đồng và các bên cần phối hợp áp dụng phương pháp điều trị cai nghiện nghiêm túc, toàn diện, kết hợp giữa tình yêu thương và chuyên môn. Điều này góp phần tiếp thêm động lực, niềm tin cho người trẻ từ bỏ, tránh xa ma túy…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-ngua-nguoi-tre-tiep-xuc-som-voi-cac-chat-ma-tuy-670329.html