Ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng

Thời tiết diễn biến cực đoạn, hanh khô, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng đặc biệt cao. Chi cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tỉnh khuyến cáo, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời triển khai công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo phương châm

Thời tiết diễn biến cực đoạn, hanh khô, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng đặc biệt cao. Chi cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tỉnh khuyến cáo, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời triển khai công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo phương châm "4 tại chỗ", xử lý ngay đám cháy mới phát sinh, hạn chế cháy lan diện rộng để bảo vệ bền vững tài nguyên rừng.

Lực lượng dân quân tự vệ triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy).

Lực lượng dân quân tự vệ triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy).

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh một số điểm cháy rừng, dù không gây thiệt hại nghiêm trọng, song cho thấy nguy cơ cháy rừng đang ở mức rất nguy hiểm. Gần đây nhất, vào chiều 16/4/2025, trên địa bàn thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) xảy ra cháy rừng, lửa cháy sang khu vực núi đá của thị trấn Chi Nê. Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Hân cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin phát sinh cháy, xã đã báo cáo cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng, đồng thời cấp bách huy động lực lượng tại chỗ. Huyện Lạc Thủy đã huy động các đơn vị: Binh chủng Hóa học, tổ PCCC thuộc Công an tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự xã, Công an xã, lực lượng dân quân tự vệ xã và nhân dân thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm, Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình với hàng trăm người tham gia chữa cháy. Đến 20h56' cùng ngày đám cháy được dập tắt. Diện tích đám cháy khoảng 3ha, khu vực cháy là rừng núi đá, chủ yếu cây lau, le, bụi rậm. Không có thiệt hại về người và tài sản. Xã đang tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai cấp bách các biện pháp PCCC rừng.

Đồng chí Trần Văn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 236.000 ha có rừng (141.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng). Các khu vực trọng điểm nguy cơ cao xảy ra cháy rừng khoảng 158.000 ha, rải rác ở tất cả các huyện, thành phố, nhiều nhất ở huyện Đà Bắc với khoảng 26.000 ha. Huyện Mai Châu nguy cơ cháy rừng cao vì diện tích rừng luồng khá lớn, hanh khô dễ phát sinh cháy. Huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn, TP Hòa Bình cũng đứng trước nguy cơ cháy rừng cao. Khi xảy ra cháy ở các khu vực rừng núi đá, việc tiếp cận đám cháy, chữa cháy rất khó khăn. Như vụ cháy rừng tại huyện Lạc Thủy huy động hàng trăm người, nhưng chủ yếu dọn dẹp tạo đường băng hạn chế cháy lan. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm, là thời điểm hay xảy ra cháy rừng. Hiện vẫn là cao điểm nắng nóng, hanh khô, nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp, không có mưa kéo dài nhiều ngày khiến thảm thực vật trong rừng khô, dễ bắt lửa. Nguy cơ cháy lớn tại các khu vực rừng trồng (thông, keo, bạch đàn) và rừng có nhiều lá khô, cành rụng, tạo nên lớp thực bì dễ bắt lửa. Bên cạnh đó đây cũng là thời gian người dân đốt nương, làm rẫy, săn bắt ong… dễ phát sinh lửa rừng.

Ngay từ đầu năm, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương, phối hợp các lực lượng triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng. Mới đây đã tham mưu tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về PCCC rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền qua loa phát thanh, mạng xã hội, tờ rơi, biển báo… về nguy cơ cháy rừng và các biện pháp phòng cháy. Vận động người dân, nhất là người dân sống gần rừng không đốt nương rẫy, không mang lửa vào rừng, không đốt ong, hun khói trong rừng. Thành lập các tổ, đội PCCC rừng cơ động tại chỗ. Chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư chữa cháy như: máy bơm nước, máy cắt cây, dao rựa, bình chữa cháy… tại các tổ, đội PCCC rừng. Ứng dụng hệ thống bản đồ số, ảnh vệ tinh, công nghệ AI để theo dõi diễn biến thời tiết và nguy cơ cháy. Kết nối dữ liệu giữa các cơ quan kiểm lâm, khí tượng thủy văn, chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng như rừng thông, rừng tre nứa, rừng khô lá rụng nhiều. Tạm dừng khai thác, sản xuất trong rừng vào thời điểm nắng nóng gay gắt, cấp báo cháy rừng cao.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCC rừng. Đặc biệt theo dõi sát diễn biến thời tiết, tổ chức phân công lực lượng ứng trực 24/24h, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hạn chế người ra vào rừng, hướng dẫn người dân, các chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác PCCC rừng, nhất là việc đốt nương làm rẫy, tuyệt đối dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác trong rừng vào thời điểm cấp dự báo rừng từ cấp IV trở lên. Bên cạnh đó, rà soát, tăng cường kiểm tra kế hoạch PCCC của các chủ rừng theo đúng quy định; xử lý nghiêm trường hợp không thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ rừng, PCCC để xảy ra cháy rừng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tỉnh Trần Văn Cường cho biết: Việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp, phương án PCCC rừng sát thực tế theo phương châm "4 tại chỗ" rất quan trọng. Bởi thực tế, khi phát hiện sớm đám cháy và triển khai kịp thời sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng, như ở TP Hòa Bình thời gian qua phát sinh 4 điểm cháy, song do phát hiện và xử lý sớm nên chỉ thiệt hại khoảng 0,7 ha rừng.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/200458/ngan-ngua-nguy-co-chay-rung.htm