Ngăn ngừa nỗi đau đuối nước
Trong tháng 4 và những ngày nghỉ lễ đầu tháng 5 vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố của nước ta đã xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước, mang tới nỗi đau tột cùng cho nhiều gia đình, dấy lên nỗi lo lắng của toàn xã hội.
Cứ bước vào những tháng mùa hè, ở nhiều địa phương của cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng luôn xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối thương tâm khi các em rủ nhau ra sông, hồ, ao, suối, kênh rạch... để tắm, bơi lội. Khi tiết trời oi bức thì không riêng gì trẻ em, mà người lớn cũng rất thích thú được vui vầy bơi lội dưới dòng nước mát để giải nhiệt. Tuy nhiên, việc để trẻ em tự ý ra sông, hồ, ao... để tắm, bơi lội là cực kỳ nguy hiểm, bởi ẩn họa sẵn sàng rình rập bất cứ lúc nào. Có không ít những vụ trẻ chết đuối tập thể chất chồng đầy thương đau, khi không chỉ là 1-2 em, mà “Hà bá” đã cướp đi sinh mạng cả 5-7 em một lúc. Hẳn nhiều người còn nhớ tới một vụ đuối nước tập thể vô cùng đau lòng xảy ra tại tỉnh Thừa Thiên-Huế vào tháng 6.2016, khi có tới 5 trẻ em tuổi từ 7 - 12, đều là anh chị em trong gia đình, họ hàng bị đuối nước khi rủ nhau đi câu cá và tắm tại một bến nước sâu. Hay như vào tháng 9.2012, một vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 8 học sinh một trường THCS thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội), khi các em rủ nhau ra hồ nước sâu để tắm...
Suy xét, tìm kiếm nguyên nhân dẫn tới việc trẻ bị chết do đuối nước thì có quá nhiều, ngoài nguyên nhân chính là cách quản lý giáo dục của gia đình còn lỏng lẻo, cha mẹ chưa để mắt nhiều tới con trẻ, không răn đe, cảnh báo cho con trẻ biết việc ra môi trường nước tự nhiên bơi lội là nguy hiểm. Địa phương nơi trẻ sinh sống thiếu bể bơi, trung tâm bơi lội để trẻ vui chơi giải trí. Nhưng cũng còn một nguyên nhân nữa đó là: tại sông, ao, hồ... vẫn còn thiếu những tấm biển cảnh báo “cấm tắm” hay "vùng nước sâu", "nguy hiểm"...
Để hạn chế và ngăn ngừa những vụ chết đuối thương tâm, thiết nghĩ cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phải đôn đốc các cá nhân, tập thể là chủ quản của ao, hồ, đầm, phá... cho cắm những tấm bảng, biển ghi nội dung “cấm tắm” để nhắc nhở, cảnh báo mọi người nói chung và trẻ em nói riêng. Với các dòng sông, kênh rạch, những công trình hồ thủy lợi rộng lớn thì các địa phương cũng nên có những tấm bảng, biển "cấm tắm" cùng nội dung cảnh báo sự nguy hiểm đặt rải rác ở phần mặt nước ven bờ. Khi có những tấm biển như vậy thì hiển nhiên các em biết nơi đó sẽ không được tắm, nhất là lại có thêm sự cảnh báo ghi “nước sâu - nguy hiểm”, thì sẽ tăng thêm phần sợ hãi mà ngăn ngừa được nguy cơ đuối nước...
Đặc biệt mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống đuối nước trẻ em. Với những giải pháp đồng bộ, cùng sự tham gia của rất nhiều các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, hy vọng những ngày hè sắp tới sẽ không còn nỗi đau đuối nước.
Nguyễn Thị Loan (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/ban-doc/ngan-ngua-noi-dau-duoi-nuoc-202653