Ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS
Những năm qua, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng luôn tập trung đẩy mạnh nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đồng bào DTTS.
Đa dạng phương thức tuyên truyền
Từ năm 2022, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã triển khai, thực hiện Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 9 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, phòng Dân tộc huyện Thạch An đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng tổ chức 2 cuộc vận động, tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho 164 công chức phụ trách công tác lao động, tư pháp xã, thị trấn, trạm y tế, các đoàn thể, hội quần chúng thôn, xóm và đại diện một số hộ gia đình đồng bào DTTS cư trú tại những nơi có thể xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức lồng ghép, tuyên truyền, vận động với đa dạng các hoạt động văn hóa, thông qua các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể. Phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào DTTS, nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên, công chức, cán bộ xã, trưởng thôn, người có uy tín để gia đình, người thân vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình...
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS về nguyên nhân, hậu quả và những giải pháp cần tránh để người dân hiểu hơn về tác hại, những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ đó cộng đồng có ý thức hơn trong việc gả cưới, cũng như các em ở lứa tuổi vị thành niên sẽ hiểu hơn và có những suy nghĩ chín chắn trước khi kết hôn.
Thực hiện hiệu quả chính sách phát triển Kinh tế - xã hội
Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất; phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, hạn chế sự xâm nhập các luồng văn hóa xấu, độc. Đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn và hôn nhân cận huyết vào hương ước, quy ước thôn, bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Theo bà Nông Thị Huệ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết xảy ra là do trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các xã, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp. Một số nơi do quan niệm lạc hậu vẫn quyết định dựng vợ, gả chồng khi con em mình chưa đủ tuổi kết hôn, trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về hôn nhân, gia đình cũng làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Ngoài ra, nhiều trẻ vị thành niên thiếu kinh nghiệm giới tính, xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn…
Chính vì vậy, thời gian qua nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành của huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ, nam giới, trẻ vị thành niên tại cộng đồng, đồng thời đưa những nội dung trên vào dạy học ngoại khóa cho học sinh THCS, THPT; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cộng tác viên dân số…