Ngân rung khát vọng vươn mình
Tròn nửa thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng trận thắng cuối cùng: Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong những thắng lợi to lớn đó, cần nhấn mạnh trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối và nghệ thuật quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta anh dũng chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc; kiên quyết và khôn khéo sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng; thực hiện mục tiêu: Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã giải quyết đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng; giải quyết thành công nhiều vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng, về phương thức tiến hành chiến tranh và về nghệ thuật quân sự. Đảng ta đã phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng, củng cố, phát triển khối đoàn kết thống nhất của toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu trò chuyện, động viên người có công.
Tháng Tư này, 50 năm về trước, thành phố Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” như bừng sáng. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng theo bước chân thần tốc tiến về Sài Gòn, mang theo bụi đường và nắng gió, tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu toàn thắng về ta. Từ đây, đất nước hoàn toàn độc lập tự do, non sông liền một dải. Từ đây, Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, bước vào chặng đường mới, cùng cả nước bước vào thời kỳ dựng xây đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đánh giá về sự kiện lịch sử vĩ đại này, Đại hội lần thứ IV (tháng 12/1976) của Đảng ta khẳng định: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”. Bài học lớn của chiến công vĩ đại này là muốn đánh thắng, ta phải giành thắng lợi từng bước; phải sử dụng phương pháp cách mạng sáng tạo và đúng đắn, với nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc bén, mềm dẻo là tiến công và nổi dậy.

Nhà máy sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn SamKwang Vina, Khu công nghiệp Quang Châu.
Nghệ thuật quân sự Việt Nam từng được một học giả Mỹ viết sau sự kiện lịch sử mùa Xuân năm 1975, đại ý: Phát hiện lớn nhất của người Mỹ về Việt Nam qua cuộc chiến tranh là phát hiện về văn hóa. Nhà sử học George C. Herring nói cụ thể hơn: “Cuộc chiến này không thể thắng được theo bất cứ nghĩa nào với một cái giá đạo đức hay vật chất mà người Mỹ coi là chấp nhận được”.
Nửa thế kỷ đất nước hòa bình, thống nhất, vẫn biết còn không ít khó khăn, thách thức song chúng ta đã hội đủ điều kiện để tiến vào kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong ngày hội non sông, càng thấm thía hạnh phúc của người dân sống trong hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Thời gian lùi xa, chúng ta ngày càng nhận rõ ý nghĩa sâu sắc của chiến công mang tầm vóc lịch sử và thời đại này. Chiến công này không chỉ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn thể hiện khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam: Độc lập - tự do - thống nhất. Đó là đài hoa được kết thành bởi bao cống hiến hy sinh, xương máu của bao lớp người ngã xuống, là minh chứng cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chiến công này khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đã đánh bại một trong những cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Điều đó chứng minh một cách thuyết phục rằng, với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết và chiến lược đúng đắn, không thế lực nào có thể khuất phục được chúng ta. Chiến thắng vĩ đại 30 tháng Tư cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế.
Lịch sử sang trang. Một trang sử mới đòi hỏi những tư duy, sáng tạo mới. Nhà thơ Tố Hữu với niềm chiêm cảm lớn đã viết: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam” (Toàn thắng về ta). Sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là cơ sở hạ tầng và nền sản xuất. Ở miền Nam, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp gây ra sự xáo trộn lớn. Lạm phát, thiếu hụt lương thực, hàng hóa khan hiếm, đời sống người dân nhiều bề cơ cực. Thêm vào đó, chính sách cấm vận từ Mỹ và phương Tây càng khiến nền kinh tế thêm kiệt quệ.

Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng trồng dưa trong nhà lưới.
Gian nan là thế nhưng với tinh thần tự lực tự cường, chúng ta đã từng bước khắc phục khó khăn, tiến hành khôi phục và tái thiết đất nước. Cái gì đến sẽ phải đến như một tất yếu của lịch sử. Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) khởi xướng công cuộc đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc và triệt để. Từ mô hình kinh tế bao cấp, Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Thành tựu của công cuộc đổi mới sau bốn thập niên đã tạo nên thế và lực vững vàng để đất nước ta cất cánh. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có lúc lên đến hơn 770%, thiếu lương thực triền miên, nhiều chủ trương cụ thể của Đảng khi đó bàn đến vấn đề làm thế nào “giải quyết cái ăn” cho xã hội. Câu chuyện “cổ tích” ấy giờ đây mỗi lần nhắc lại vẫn thấy se lòng. Cùng với việc khẳng định những thành tựu đã đạt được, Đảng ta đã nhận rõ tình hình kinh tế - xã hội có những khó khăn gay gắt: Sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp, phân phối, lưu thông có nhiều rối ren, những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp. Là một nước nông nghiệp xứ nhiệt đới có hai vựa lúa lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng mà vẫn quanh năm thiếu lương thực.

Giờ học ở Trường Trung học cơ sở Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang).
Thế rồi không có “phép màu” nào cả, thời gian và công sức, bản lĩnh và trí tuệ đã biến đất thành vàng. Không có những khó khăn, thách thức của thập niên 1980 thì chưa hẳn đã có công cuộc đổi mới, chưa hẳn đã có Việt Nam của ngày hôm nay. Hàng chục năm qua, đất nước ta đã bảo đảm được an ninh lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác. Bất chấp nhiều bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng. Đất nước ta đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng, hiện nay chiếm khoảng 85% GDP.
Trong bức tranh đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh sau nửa thế kỷ tự hào có bước phát triển nhanh chóng, phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế. Nhiều năm liền Thành phố giữ vững một “hằng số” ấn tượng: Tạo ra khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 27% tổng thu ngân sách. Năm 2024, tổng thu ngân sách cả nước lần đầu vượt ngưỡng hơn 2 triệu tỷ đồng thì riêng Thành phố Hồ Chí Minh đạt 502 nghìn tỷ đồng.
Muốn đi xa hãy đi cùng bè bạn. Trong những năm qua, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tiềm lực, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Các kết quả đạt được càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới trải qua nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Nhờ việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam đã có những bước đi khôn khéo và linh hoạt để “phá băng”, tăng cường lòng tin chính trị, hội nhập khu vực và quốc tế. Văn hóa Việt Nam thẩm thấu, xuyên suốt trong nền ngoại giao Việt Nam.

Hệ thống máy xét nghiệm hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đó là tính hòa hiếu và nhân nghĩa, là bản chất hòa bình và khoan dung, là sự ứng xử tinh tế, linh hoạt và mềm dẻo nhưng kiên định theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tất cả vì lợi ích của dân tộc. Đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 12 nước, trong đó Indonesia và Singapore là hai trong số 5 quốc gia sáng lập ASEAN, vừa nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam trong tháng 3/2025.
Nửa thế kỷ đất nước hòa bình, thống nhất, vẫn biết còn không ít khó khăn, thách thức song chúng ta đã hội đủ điều kiện để tiến vào kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong ngày hội non sông, càng thấm thía hạnh phúc của người dân sống trong hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc. Mỗi người dân đất Việt nghĩ gì đây, làm gì đây ở thời khắc lịch sử này? Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đưa ra những định hướng lớn và nhiệm vụ cụ thể: “Phấn đấu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tầm nhìn đã rộng, đường lớn thênh thang, dẫu đèo cao dốc đứng, chí vẫn vững, lòng vẫn bền. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự tăng tốc của các quốc gia. Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, đây chính là “chìa khóa vàng” giúp đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu và vươn lên bắt kịp thời đại.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngan-rung-khat-vong-vuon-minh-postid416917.bbg