Ngân sách chi 50.770 tỷ đồng chống dịch, hỗ trợ người dân
Đại diện Bộ Tài chính sáng 8-11 cho biết: Ước tính đến hết tháng 10-2021, ngân sách Nhà nước đã chi 31.550 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và 19.220 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Đại diện Bộ Tài chính sáng 8-11 cho biết: Ước tính đến hết tháng 10-2021, ngân sách Nhà nước đã chi 31.550 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và 19.220 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong đó, Trung ương đã chi 24.880 tỷ đồng, bao gồm 18.130 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vắc-xin và chi cho công tác phòng, chống dịch; mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất 7.940 tỷ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để mua vắc-xin; xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 137.090 tấn gạo dự trữ quốc gia cho 31 địa phương để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, một số chuyên gia tài chính cho biết: Thách thức đối với ngành Tài chính vẫn còn lớn. Trước hết, thu từ nền kinh tế sẽ khó khăn vì doanh nghiệp chưa phục hồi được một sớm một chiều, trong khi các biện pháp chi kích thích tăng trưởng, chi an sinh xã hội vẫn phải thực hiện và chi phí cho công tác phòng dịch cũng không thể giảm. Do đó, thách thức trong điều hành cân đối thu - chi vẫn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Việt Nam có nền tảng tài chính cho đến giai đoạn này tương đối vững chắc. Nguồn thu từ nền kinh tế chiếm tỷ trọng tương đối lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu giảm nhưng năm nay Việt Nam xuất khẩu tương đối tốt; thu không phụ thuộc vào giá dầu nhưng giá dầu hiện nay cũng tương đối tốt. Như vậy, áp lực thu là có song sẽ không quá nặng nề./.