Ngân sách chi cho an sinh xã hội có thể chiếm tới 10%
Việt Nam vẫn đang còn nhiều thách thức đối với việc mở rộng an sinh xã hội cho toàn dân, như thị trường lao động phi chính thức còn lớn và già hóa dân số nhanh trong điều kiện thu nhập trung bình. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu.
Điều này đã được nhấn mạnh trong báo cáo an sinh xã hội thế giới 2024-2026 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 30/10.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, hơn một nửa dân số thế giới (52,4%) được bao phủ an sinh xã hội, tỷ lệ này ở châu Á-Thái Bình Dương là 53,6%. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống rất lớn khi có tới 3,8 tỷ người trên toàn thế giới nằm ngoài diện bao phủ này.
Theo đó, ILO cho rằng thế giới cần thêm 1.400 tỷ USD hay 3,3% GDP để bao phủ an sinh xã hội. Trong đó, châu Á-Thái Bình Dương cần 554 tỷ USD hay 2,0% GDP.
Tại Việt Nam, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, an sinh xã hội là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam có những cam kết rất mạnh mẽ về an sinh xã hội, thông qua việc ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW (năm 2023) về Đổi mới chính sách xã hội, Luật BHXH sửa đổi (2024) và đang sửa đổi Luật BHYT và Luật Việc làm. Những thay đổi này đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), phù hợp với các Tiêu chuẩn Lao động quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Thống kê cho thấy, tỷ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội của Việt Nam đã tăng dần trong các năm qua, từ 2,85% GDP năm 2005 lên 4,14% GDP năm 2010 và 4,67% GDP năm 2011 và khoảng 6,7% GDP năm 2021 và khoảng 7% GDP năm 2023...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay trên toàn thế giới, các xu hướng lớn như biến đổi khí hậu, xu hướng nhân khẩu học và phát triển công nghệ tiếp tục mang đến những thách thức mới cho xã hội và các nhà hoạch định chính sách, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Đặc biệt, các cơn bão Yagi và Trami gần đây đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của Việt Nam trước biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan”, bà Ingrid Christensen nhấn mạnh.
Cùng với đó, GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tỷ lệ già hóa dân số cao cũng là thách thức lớn với hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam.
Theo số liệu tính toán từ Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và dự báo dân số 2019-2069 của Tổng cục Thống kê, dân số cao tuổi (từ 60) của Việt Nam tăng mạnh từ 11,4 triệu người chiếm tỷ lệ 11,86% năm 2019 lên 20,2 triệu người, chiếm 18,71% năm 2034 và lên mức 28,6 triệu người, chiếm tỷ lệ 24,88%.
Khảo sát của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về “Già hóa lành mạnh ở châu Á” công bố mới đây đã đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế có BHYT toàn dân (UHC) với tỷ lệ người dân tham gia cao. Và chỉ số (điểm chuẩn hóa về mức độ hiệu quả của chương trình này với việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong suốt cuộc đời của họ) tại Việt Nam cũng thuộc nhóm có điểm số trên mức trung bình. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số các quốc gia đạt được tỷ lệ thuộc nhóm cao nhất, đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi nhờ BHYT toàn dân.
Theo các chuyên gia, dù có những tiến bộ và thành tựu đáng ghi nhận trong những thập kỷ gần đây, nhưng Việt Nam còn đang gặp nhiều thách thức. Cải cách chính sách an sinh xã hội mạnh mẽ hơn là điều buộc phải có. Đây cũng là sự cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và để thành quả của sự phát triển mà Việt Nam đạt được được phân bổ công bằng và hợp lý, không ai bị ở lại phía sau.
Do vậy, Việt Nam cũng phải tiếp tục tăng cường cam kết và đầu tư cho hệ thống bảo trợ xã hội để có thể tiếp tục tận dụng những tiến bộ kinh tế vượt trội của mình.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và để đạt được, nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội. Theo đó, ngân sách cho an sinh xã hội có thể chiếm từ 6-10% GDP và tăng chi từ ngân sách Nhà nước cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động tự do có đủ các quyền lợi tương tự bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thực tế, hiện nay lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện do thu nhập của người lao động khu vực phi chính thức bấp bênh, không ổn định. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý ăn sâu vào tiềm thức là “trẻ cậy cha, già cậy con” nên chưa hình thành được văn hóa tự đảm bảo an sinh xã hội thông qua đóng góp, tích lũy khi trẻ để thụ hưởng lương hưu, bảo hiểm khi về già.
Ngoài ra, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước hiện nay chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện cũng khiến một bộ phận người dân nản lòng. Hơn nữa, việc bổ sung các chế độ BHXH ngoài chế độ hưu trí, tử tuất đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ ngân sách Nhà nước, nhưng trong điều kiện hiện nay là khó khăn do khả năng cân đối của ngân sách.
GS.TS Giang Thanh Long cho rằng, các xu hướng lớn đang diễn ra mạnh mẽ và có nhiều thách thức với hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Định hướng đầu tiên là phải thống nhất, hài hòa các chính sách, chế độ an sinh xã hội. Hiện nay, các chính sách bị phân mảng và được quản lý theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống thiên tai…