Ngân sách không hỗ trợ cho các 'chuyến bay giải cứu'

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định điều này khi báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng'.

Còn vướng mắc

Ông Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài Chính đã có báo cáo gửi cho Đoàn giám sát. Theo yêu cầu của Đoàn giám sát báo cáo cũng kèm theo rất nhiều phụ lục, bao gồm tổng mức huy động ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), huy động từ các nguồn khác (nguồn viện trợ, nguồn quỹ vaccine, nguồn quỹ của địa phương và các nguồn huy động khác); trong đó phân tích rõ theo mục tiêu sử dụng.

“Tuy nhiên, nếu gọi là huy động tổng thể nguồn lực thì hạch toán và kế toán chúng ta nắm bắt được vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt là các nguồn lực huy động từ người dân, doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho công tác phòng, chống dịch, rất nhiều hỗ trợ từ cộng đồng xã hội dưới dạng hàng hóa, đóng góp công sức cũng chưa hạch toán đầy đủ” – ông Võ Thành Hưng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Trước ý kiến đề nghị làm rõ hơn vụ “chuyến bay giải cứu” vì cũng thuộc phạm vi giám sát nguồn lực phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định “ngân sách Nhà nước không hỗ trợ cho các “chuyến bay giải cứu” trong thời gian vừa qua”.

Đề cập các vướng mắc, ông Võ Thành Hưng thông tin, đa phần các tài sản do doanh nghiệp, người dân đóng góp chưa được xác lập sở hữu toàn dân do thiếu các thủ tục, giấy tờ chứng minh, thiếu hóa đơn, chưa xác định giá.

Ngoài ra còn có trường hợp cho mượn, cho thuê hoặc cho sử dụng trước hóa chất, vật tư y tế, nhưng đến thời điểm hiện tại thì không có hợp đồng cho thuê, cho mượn, hoặc là doanh nghiệp, tổ chức đó cũng không có nhu cầu nhận lại tài sản đó bằng hiện vật mà muốn nhận lại bằng tiền nhưng giờ tính bằng giá nào cũng đang vướng mắc.

Nói về trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng cho biết, bộ đã có sửa đổi Thông tư 68 về mua sắm, chi thường xuyên, nhưng đây là quy định để cho hoạt động mua sắm, chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương nói chung, chứ không cho lĩnh vực y tế.

Vì vậy, trong thông tư đó cũng có loại trừ là trong trường hợp các quy định về lĩnh vực y tế có những đặc thù riêng thì sẽ áp dụng cơ chế riêng, không nhất thiết là phải theo thông tư này.

Bối cảnh dịch phức tạp, khó dự báo

Cũng báo cáo tại phiên họp, bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ, đây là một cơ hội để ngành y tế nhìn lại những việc đã làm được, việc chưa làm được và tiếp tục có những giải pháp tham mưu cho các cấp để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.

Bà cũng nhấn mạnh Quốc hội đã chủ động ban hành các quyết sách để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của phòng, chống dịch mà Nghị quyết 30 là một cơ sở pháp lý hết sức vững chắc để có thể huy động cả nhân lực, vật lực và tài chính để giúp cho công tác phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị nêu rõ và sâu hơn tính chất phức tạp, khó dự báo và chưa có tiền lệ của bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước, để thấy được các biện pháp mà Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã triển khai trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là các biện pháp phải thực hiện trong một tình huống rất cấp bách, trong điều kiện đất nước đang phát triển, nguồn lực còn rất khó khăn, kể cả về nguồn lực tài chính cũng như nguồn lực về khoa học, công nghệ”.

Trong bối cảnh dịch như vậy, theo nữ bộ trưởng, chúng ta đã hết sức linh hoạt, sáng tạo và đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn để giải quyết các vấn đề. Bối cảnh dịch bệnh như vậy cũng là nguyên nhân chính gây nên những khó khăn, vướng mắc mang tính chất đặc thù trong vấn đề huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực và kéo theo những vấn đề liên quan đến các cơ chế, chính sách như hiện nay.

Về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh có tình huống xảy ra trong thực tiễn, kể cả vấn đề áp dụng, vấn đề triển khai thực hiện hoặc có những chính sách chưa sát được với tình huống phát sinh.

Dịch COVID-19 xảy ra đã bộc lộ những vấn đề mà hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cần phải có những chấn chỉnh để làm sao khi có dịch bệnh tương tự thì chúng ta có thể khắc phục được.

“Một trong những nguyên nhân cũng phải nêu hết sức khách quan, đó là với dịch bệnh chưa có tiền lệ như vậy, xảy ra quá nhanh, quá rộng như vậy thì kể cả một đất nước mạnh như nước Mỹ cũng rất lúng túng. Hệ thống y tế cũng gặp phải rất nhiều rủi ro” – bà Đào Hồng Lan nói, đề nghị báo cáo giám sát cần phải nêu để rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị quan tâm hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với những chính sách cụ thể để phát triển trong thời gian tới./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ngan-sach-khong-ho-tro-cho-cac-chuyen-bay-giai-cuu-post1013204.vov