Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới

Tại Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cách phân bổ ngân sách trung ương là sẽ ưu tiên đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: TL

Cân đối nguồn vốn để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương (NSTW) và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (chương trình).

Theo đó, nguyên tắc phân bổ vốn NSTW là ưu tiên hỗ trợ cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu (trừ các xã an toàn khu thuộc khu vực I, khu vực II, khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được bố trí vốn NSTW của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo các tiêu chí, hệ số ưu tiên phân bổ được quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ), xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, nhưng mức đạt chuẩn của một số chỉ tiêu còn chưa cao để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững. Các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Về cơ chế hỗ trợ NSTW cho ngân sách địa phương thực hiện chương trình, nguồn vốn NSTW năm 2021 (chuyển sang thực hiện năm 2022) được tiếp tục thực hiện theo cơ chế hỗ trợ như giai đoạn 2016-2020 và căn cứ theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, theo nguyên tắc:

Đối với các tỉnh có điều tiết về NSTW, không hỗ trợ vốn từ NSTW (trừ tỉnh Quảng Ngãi). Đối với các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW với mức từ 50% trở lên, ưu tiên bố trí ở mức độ cao phù hợp với tổng số xã; xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các phường, thị trấn, xã đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ (xã đặc biệt khó khăn).

Đối với tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW với mức dưới 50%, bố trí vốn ở mức thấp hơn so với nhóm nhận hỗ trợ từ NSTW với mức từ 50% trở lên.

Nguồn vốn NSTW giai đoạn 2022-2025, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, thực hiện cơ chế hỗ trợ theo nguyên tắc: NSTW không hỗ trợ các tỉnh có điều tiết về NSTW (trừ tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi). NSTW chỉ hỗ trợ các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ NSTW và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó ưu tiên hỗ trợ các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh còn lại nhận bổ sung cân đối từ NSTW từ 60% trở lên.

Đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam), 100% nguồn vốn thực hiện chương trình bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn.

Đối với các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW và tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam: Các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW từ 80% trở lên: Hàng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu 5% tổng vốn NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình cho tỉnh.

Các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW từ 60% đến dưới 80%: Hàng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng tổng vốn NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình cho tỉnh (tỷ lệ đối ứng tối thiểu: 1:1).

Các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW dưới 60% và tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam: Hàng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu gấp 1,5 lần tổng vốn NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình cho tỉnh (tỷ lệ đối ứng tối thiểu: 1:1,5).

Làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL

Đến 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM (miền núi phía Bắc 60%, đồng bằng sông Hồng 100%, Bắc Trung Bộ 87%, Nam Trung Bộ 80%, Tây Nguyên 68%; Đông Nam Bộ 95%, đồng bằng sông Cửu Long 80% số xã đạt chuẩn NTM); trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020...

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-sach-nha-nuoc-uu-tien-dau-tu-cho-cac-xa-chua-dat-chuan-nong-thon-moi-102568.html