Ngăn từ sớm án mạng do mâu thuẫn vợ chồng
Mâu thuẫn và xung đột vợ chồng nếu không được giải quyết kịp thời, có thể dẫn đến những hành động không thể kiểm soát như hành vi cố ý gây thương tích, thậm chí gây ra những vụ án giết người.
Nguyên nhân xảy ra án mạng do mâu thuẫn vợ chồng có nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu do ghen tuông mù quáng, mâu thuẫn trong sinh hoạt, về vấn đề tài chính, nuôi dạy con cái; mâu thuẫn giữa các thế hệ sống chung trong gia đình; tình trạng ngoại tình …
Giận mất khôn…
Nổi lên thời gian qua là tình trạng ghen tuông mù quáng đã đẩy không ít cặp vợ chồng hoặc các cặp đôi chung sống như vợ chồng đi vào bế tắc bằng những vụ án mạng. Một số đàn ông vì quá ghen tuông đã ra tay sát hại vợ (người tình) một cách tàn nhẫn. Điển hình như vào ngày 23-4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt bị cáo Bạch Duy Nghiệp (39 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) 15 năm tù về tội giết người.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Nghiệp và chị N.T.K.H. (ngụ xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) chung sống như vợ chồng. Ngày 4-5-2023, Nghiệp và chị H. xảy ra mâu thuẫn nên cả hai về phòng trọ thuê tại xã Xuân Hòa để nói chuyện. Trong lúc nói chuyện, Nghiệp nghi ngờ chị H. có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác nên lấy dao đâm nhiều nhát vào người chị H. gây thương tích 45%.
“Lắng nghe, thấu hiểu là quy tắc vàng để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Để ngăn chặn tình trạng gây án giữa vợ chồng, đòi hỏi mỗi người phải tự vun đắp và xây dựng được môi trường lành mạnh từ trong gia đình và ngoài xã hội. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực do ghen tuông để răn đe, cảnh báo, giúp ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra” - bà Nguyễn Thị Chi, hội thẩm nhân dân TAND tỉnh, khuyến cáo.
Cũng chỉ vì ghen tuông có thể khiến những người xung quanh trở thành nạn nhân sau những cuộc xung đột. Điển hình như ngày 16-8, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Lý (33 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành) 12 năm tù về tội giết người. Nội dung bản án xác định, Lý và chị P.T.M. (29 tuổi) sống với nhau như vợ chồng tại xã Long An. Chị M. có mở quán cà phê phía trước nhà để bán. Vào ngày 12-10-2023, anh D.Đ.T. (ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) đến quán uống nước. Đến tối cùng ngày, khi về tới quán, Lý thấy anh T. từ trong quán đi ra thì sinh lòng ghen tuông. Lý đã nắm tóc chị M. nên giữa anh T. và Lý xảy ra xô xát. Sau khi anh T. và chị M. bỏ chạy thì Lý đuổi theo và dùng dao chém nhiều nhát gây thương tích cho anh T. 79%.
Ngoài ra, một số gia đình gặp khó khăn về mặt tài chính nên thường cãi nhau và xung đột dẫn đến những án mạng đáng tiếc. Vào ngày 20-8, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hoàng (39 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) 8 năm tù về tội giết người. Trong phiên tòa xét xử, bị cáo Hoàng khai, vào ngày 17-1-2022, khi đang nấu ăn ở nhà thì hai vợ chồng cãi nhau. Chị T.H. (37 tuổi, vợ Hoàng) nói Hoàng đi làm về không đưa tiền cho vợ nuôi con. Trong lúc tức giận, Hoàng đã dùng dao chém vào mặt vợ khiến chị H. thương tích 47%.
Vợ chồng cần thấu hiểu, lắng nghe
Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Doãn Cao Sơn cho hay, trong cuộc sống gia đình sẽ khó tránh khỏi có những lúc xảy ra tranh cãi, xung đột. Những xung đột gia đình thường được biểu hiện qua nhiều hình thức như: trách mắng, to tiếng, xô xát, cố ý gây thương tích và đỉnh điểm là gây ra án mạng chết người… Dù là mâu thuẫn dưới hình thức nào thì những cuộc xung đột giữa vợ chồng cũng sẽ gây ra nhiều tổn thương về thể xác, về tinh thần cho người trong cuộc và cả những người xung quanh.
“Đáng chú ý, phần lớn vụ án mạng giữa vợ chồng thường do ghen tuông mà ra. Một số người có xu hướng ghen tuông vô cớ, bị cảm xúc chi phối nên dẫn đến nghi ngờ và gây ra những hành vi tiêu cực. Trong lúc nóng giận đã gây ra những vụ án mạng đáng tiếc, để lại hệ lụy rất nặng nề” - ông Sơn cho hay.
Theo Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh Nguyễn Thị Chi, trên thực tế, mâu thuẫn vợ chồng xảy ra cũng bởi cả hai thường coi trọng cảm xúc của bản thân nhiều hơn là cảm xúc của đối phương. Khi xảy ra mâu thuẫn thường buông lời hoặc có những hành động làm tổn thương đối phương. Việc vợ chồng mâu thuẫn và sử dụng bạo lực cũng khiến cho con cái phải gánh chịu những hệ lụy, tạo tâm lý lo sợ và có những đứa trẻ lớn lên có thể trở thành người có xu hướng bạo lực.
Do đó, theo bà Chi, khi vợ chồng mâu thuẫn cần phải bình tĩnh và cố gắng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Sau khi bình tâm trở lại thì cả hai nên trao đổi thẳng thắn về những vấn đề gặp phải để đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt của vấn đề. Thông qua đó, vợ chồng thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ những khó khăn đang gặp phải, tạo động lực cùng nhau vun đắp cho cuộc sống hiện tại và tương lai.
Theo bà Chi, trong những cuộc xung đột lớn giữa vợ chồng thì một trong hai người nên tránh mặt đi chỗ khác để cả hai có không gian và thời gian để bình tĩnh lại. Nếu mâu thuẫn vẫn không thể dung hòa được thì nên đến gặp chuyên gia tâm lý để giúp các bên có cái nhìn khách quan về vấn đề đang gặp phải và có hướng giải quyết phù hợp. Trong trường hợp khi nhìn thấy đối phương sử dụng hung khí nguy hiểm trong lúc nóng giận thì cần tìm cách né trách, tự bảo vệ bản thân trước để không trở thành nạn nhân trong những cuộc xung đột vợ chồng.