Ngăn từ sớm, chặn từ xa và sẵn sàng vật tư y tế
HNN - Mặc dù đến thời điểm hiện tại TP. Huế chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, nhưng trước diễn biến gia tăng số ca bệnh tại một số quốc gia trong khu vực và các tỉnh, thành trong nước, ngành y tế thành phố đã nhanh chóng kích hoạt lại các biện pháp phòng, chống dịch.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân sởi tại Trung tâm Y tế quận Thuận Hóa
Sẵn sàng hạ tầng, thuốc, vật tư y tế
Trung tâm Y tế (TTYT) quận Thuận Hóa có 150 giường bệnh với tỷ lệ điều trị nội trú luôn chiếm từ 130 - 150 bệnh nhân. Ngay sau khi có chỉ đạo từ Sở Y tế, đơn vị đã triển khai các biện pháp phòng dịch, như: 2K - đeo khẩu trang và khử khuẩn; đẩy mạnh truyền thông và tái khởi động khu cách ly, phân luồng điều trị. Khoa Nội nhi - Truyền nhiễm được bố trí sẵn sàng tiếp nhận điều trị nếu phát hiện ca nhiễm.
ThS.BS. Nguyễn Hoàng Chung, Giám đốc TTYT quận Thuận Hóa cho biết, “Trước đây COVID-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A với thể nặng, giờ đây xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B và xem như những bệnh truyền nhiễm thông thường khác, như cúm, sởi… nên công tác phòng, chống dịch được triển khai thường xuyên, liên tục, đặc biệt là thời điểm nắng nóng và giao mùa”
Tương tự, TTYT huyện Phú Vang đã chủ động chuẩn bị 26 phòng phục vụ thu dung điều trị các bệnh truyền nhiễm; đồng thời, xin phép bố trí lại khu hành chính để tách biệt khối y tế dự phòng. Đội ngũ y bác sĩ được huy động chuẩn bị khu điều trị tạm thời, trước mắt phục vụ điều trị các bệnh như sởi, tay chân miệng, và sẵn sàng cho COVID-19 nếu có ca bệnh.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, lãnh đạo bệnh viện đã đề nghị các đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó với dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Theo TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện, hiện đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị nhân lực, dự trù vật tư thuốc men, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân. Trung tâm Nghiên cứu và điều trị COVID-19 đặt tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 sẽ kích hoạt đội ngũ cơ cấu như trước, sẵn sàng phục vụ điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn. “Trên cơ sở kinh nghiệm chống dịch COVID-19 những năm trước, chúng tôi chỉ còn vận hành khâu tiếp nhận, thu dung bệnh nhân mắc COVID-19 nếu dịch xảy ra trên diện rộng”, TS. Xuân cho hay.
Ngăn từ sớm, chặn từ xa
Sau khi Bộ Y tế phát đi thông tin về dịch COVID-19 đang gia tăng tại một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số ca mắc tại các tỉnh, thành phố trong nước, nhiều người dân bắt đầu chủ động phòng, tránh dịch. Tại một số khu vực công cộng, như: nhà ga, bến xe, cơ sở y tế, siêu thị…, người dân chủ động đeo khẩu trang, sát khuẩn và hạn chế tập trung đông người.
“Dù vẫn biết COVID-19 giờ đây chỉ là bệnh truyền nhiễm thông thường, song để phòng bệnh và hạn chế lây nhiễm cho người thân, đặc biệt là bố mẹ già có bệnh nền và con nhỏ nên khi đi mua sắm ở siêu thị, chợ tôi đều đeo khẩu trang, khử khuẩn, đồng thời tránh tụ tập những nơi đông người và trong không gian kín có điều hòa dễ lây bệnh”, chị Ngọc Minh trú tại phường Xuân Phú, quận Thuận Hóa chia sẻ.
Sở Y tế TP. Huế cũng đã tổ chức họp khẩn, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các TTYT huyện, thị xã tăng cường giám sát, kiểm soát dịch bệnh, không để dịch lan rộng. Việc phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang nhằm phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất biện pháp phù hợp cũng đang được triển khai chặt chẽ.
PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, xác định COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B nên công tác dự phòng đối với nhóm bệnh này luôn được ngành y tế chú trọng và triển khai thường xuyên, liên tục. Hiện, Sở đã chủ động tổng rà soát những đơn vị trước đây đón nhận bệnh nhân COVID-19, những bệnh viện có khu bệnh truyền nhiễm với đầy đủ hệ thống giường, o-xy, khu cách ly… để khởi động lại các hoạt động phòng, chống dịch. Đồng thời, chủ động dự phòng nguồn thuốc điều trị, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật dự phòng cơ số test nhanh đề phòng khi có dịch nhằm khoanh vùng, cách ly và có biện pháp điều trị.
"Đối với bệnh truyền nhiễm công tác phòng và điều trị phải thực hiện theo phương châm: Ngăn từ sớm, chặn từ xa, trong đó chú trọng đến những kiến thức giáo dục trong cộng đồng. Cán bộ y tế để khi phát hiện ca bệnh phải thực hiện cách ly đúng theo quy định và đánh giá đúng tình trạng bệnh tật để có biện pháp điều trị ngay, kịp thời. Đặc biệt, không được lơ là, chủ quan, nhất là những trường hợp người lớn tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ", ông Trần Kiêm Hảo nhấn mạnh.
Để phòng, tránh dịch bệnh lây lan, Sở Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; trong đó, đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông, tại cơ sở y tế hoặc khi có triệu chứng hô hấp; hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.
Dù COVID-19 hiện được xem là bệnh truyền nhiễm thông thường, song nguy cơ bùng phát trở lại vẫn hiện hữu, đặc biệt khi thời tiết thay đổi và hoạt động giao thương, du lịch gia tăng. Việc thành phố Huế chủ động kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch là minh chứng cho tinh thần không chủ quan, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, chính quyền và ý thức của người dân sẽ là yếu tố quyết định giúp địa phương kiểm soát dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 150 ca mắc COVID-19 rải rác tại 27 tỉnh, thành, không có ca tử vong. Một số địa phương có số ca tăng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Riêng tại TP. Huế, đến ngày 23/5 vẫn chưa phát hiện ca mắc COVID-19.