Ngân vang làn điệu Soọng cô Bàn Đạt

Hát Soọng cô là 'món ăn' tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân tộc Sán Dìu. Sau nhiều năm mai một, giờ đây, làn điệu này lại được cất lên trên những cánh đồng, nương chè hay trong nhà của nhiều hộ người dân tộc Sán Dìu tại xã Bàn Đạt (Phú Bình).

Hát Soọng cô là “món ăn" tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân tộc Sán Dìu. Sau nhiều năm mai một, giờ đây, làn điệu này lại được cất lên trên những cánh đồng, nương chè hay trong nhà của nhiều hộ người dân tộc Sán Dìu tại xã Bàn Đạt (Phú Bình).

"Soọng cô” theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên. Lời bài hát được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt và lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền miệng, hoặc ghi chép bằng chữ Nôm cổ.

Theo chia sẻ của các vị cao niên người Sán Dìu tại xã Bàn Đạt, mặc dù Soọng cô chỉ có một làn điệu nhưng nội dung lời ca lại có 3 phần rõ rệt gồm: gọi, kể và đáp. Trong đó, phần kể chiếm nhiều hơn với nội dung đa dạng, thể hiện nỗi lòng, ước nguyện của người hát. Yếu tố tạo nên sự khác biệt của Soọng cô so với các làn điệu truyền thống của dân tộc khác chính là nhịp điệu. Hầu hết các bài hát đều có trường độ ổn định. Các quãng âm kế tiếp nhau đều đều, ít lên bổng xuống trầm đột ngột.

Nội dung chủ đề của các bài hát rất đa dạng, phong phú, gắn với cuộc sống sinh hoạt đời thường như: mời khách đến nhà, tình yêu quê hương, đất nước, kết giao bạn bè, giao duyên, thăm hỏi gia đình, ca ngợi Đảng, Bác Hồ... Ngoài ra còn có những bài hát đề cao cuộc sống lao động, sản xuất như: “Soọng cô tam xíu lu” (hát bên giếng làng); “Soọng cô cao shan cón xúi” (hát trên thác nước, đắp mương)...

Với ca từ mộc mạc, dân dã, giai điệu mềm mại, thông qua làn điệu Soọng cô, người Sán Dìu nói lên những tâm tư, tình cảm và ước muốn trong cuộc sống chân thực, gần gũi. Hát Soọng cô chính là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng ý nghĩa, mang lại niềm vui trong cuộc sống, lao động sản xuất.

Mặc dù Soọng cô là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của người Sán Dìu, song trước đây tại xã Bàn Đạt, bản sắc văn hóa này từng bị mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền. Nguyên nhân là do quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đã khiến nhiều người dần xa rời điệu hát của dân tộc mình. Đối với giới trẻ, do ảnh hưởng của dòng nhạc hiện đại, nhiều người còn chưa biết đến điệu hát Soọng cô. Người dân tộc Sán Dìu ở Bàn Đạt cũng ít dùng tiếng dân tộc để giao tiếp nên trẻ em, học sinh ít nói, thậm chí không nói được tiếng dân tộc mình.

Trước thực tế đó, năm 2012, một số người cao niên trên địa bàn xã Bàn Đạt đã đề nghị chính quyền địa phương cho phép thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hát Soọng cô để khôi phục loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu.

Nhằm thu hút người dân, đặc biệt là người trẻ tham gia, Ban Chủ nhiệm thường xuyên tổ chức hát nhóm tại nhà văn hóa, nhà trưởng xóm. Qua các buổi giao lưu, nhiều người cảm thấy yêu thích làn điệu Soọng cô và đăng ký làm hội viên. Từ một vài cá nhân chủ chốt ban đầu, đến nay CLB có 75 hội viên.

Mặc dù Soọng cô có rất nhiều bài hát nhưng qua nhiều năm, tài liệu ghi chép lời ca đã bị thất lạc khá nhiều. Chính vì vậy, Ban Chủ nhiệm CLB đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để thu thập, ghi chép lại lời bài hát từ những cuốn sách cũ và theo trí nhớ của bản thân. Từ đó có tài liệu để truyền dạy cho các hội viên trong Câu lạc bộ.

Để CLB Hát Soọng cô xã Bàn Đạt được duy trì, hoạt động hiệu quả, tháng 12-2023, UBND huyện Phú Bình đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn và truyền dạy văn hóa, nghệ thuật dân gian dân tộc Sán Dìu tại Nhà văn hóa xóm Đá Bạc.

Tại đây, cán bộ chuyên môn hướng dẫn phương thức quản lý, điều hành để CLB hoạt động hiệu quả; kỹ năng cơ bản trong biểu diễn văn nghệ dân gian gắn với hoạt động du lịch; cách thức trình diễn, thực hiện nghi lễ dân tộc Sán Dìu; phương pháp truyền dạy hát Soọng cô... Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ CLB 30 bộ trang phục dân tộc Sán Dìu, đạo cụ, nhạc cụ, bộ tăng âm loa máy với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Sau chương trình tập huấn, hoạt động của CLB trở nên quy củ hơn, tạo sự hứng khởi cho các hội viên. Hàng tháng, các hội viên tập trung tại nhà văn hóa xóm có đông người Sán Dìu sinh sống để giao lưu, truyền dạy cho nhau.

Ngoài ra, CLB còn thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB hát Soọng cô trong và ngoài tỉnh như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Qua đó, hội viên có cơ hội được gặp gỡ, học hỏi thêm các bài hát Soọng cô, phong cách biểu diễn của CLB bạn.

Khi địa phương tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, CLB cũng tích cực đăng ký tham gia. Bởi lẽ, thông qua những chương trình nghệ thuật này, làn điệu Soọng cô sẽ được lan tỏa, biết đến nhiều hơn ở những xã khác.

Nhằm trao truyền điệu hát Soọng cô tới thế hệ con em, từ năm 2019, CLB Hát Soọng cô xã Bàn Đạt phối hợp với Trường THCS Bàn Đạt tổ chức dạy hát Soọng cô cho học sinh tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt tập thể của Trường và tiết học giáo dục địa phương. Nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô, thu hút trên 50 học sinh tham gia.

Có thể thấy, công tác bảo tồn, gìn giữ làn điệu Soọng cô đã và đang được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202408/ngan-vang-lan-dieu-soong-co-ban-dat-a05112f/