Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 5)

Khúc ruột miền Trung đầy sức lôi cuốn như vậy, đã khiến tôi viết đơn tình nguyện vào thường trú ở Nghệ An khi tôi vừa học xong lớp đào tạo nghiệp vụ phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã. Không rõ vì sao, tôi lại được phân công về Hải Dương, rồi sau gần một năm, tôi xin cơ quan cho lên Sơn La thay thế anh Phạm Minh Dũng vì sức khỏe anh không tốt, ở núi rừng không hợp.

Ở lớp học sinh ít tuổi hơn chúng tôi, xuất hiện gương sáng Nguyễn Bá Ngọc. Theo thông tin chúng tôi được đọc trên báo, nghe qua đài, Nguyễn Bá Ngọc sinh năm 1951, quê ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), là con thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em. Trong những ngày 3 - 4/4/1965, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt các trọng điểm như cầu Hàm Rồng (thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ), Đò Lèn (huyện Hà Trung – Thanh Hóa) và bến phà Ghép (nối hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Lúc đó, mới 14 tuổi, Nguyễn Bá Ngọc đã dũng cảm lao khỏi hầm trú ẩn, băng mình trong bom đạn cứu sống 3 em nhỏ rồi hi sinh anh dũng. Chính gương sáng ấy, được phản ánh sinh động qua ca khúc Gương anh Nguyễn Bá Ngọc (Mộng Lân) đã thổi bùng thêm ngọn lửa yêu nước vốn vẫn hừng hực trong lớp học sinh phổ thông chúng tôi:

“Trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công.

Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông.

Anh hiến dâng cả cuộc đời, băng qua lửa đạn bom rơi

Cứu em nhỏ thoát cơn bom đạn giặc Mỹ.

Bom đạn réo quanh mình mặc cho đạn réo bom rơi

Anh đã lấy thân mình che chở cho chúng em.

Yêu đứa em hơn đời anh, băng qua lửa đạn bom rơi.

Nguyễn Bá Ngọc đã vì bạn mà hi sinh.

Anh qua đời, gương anh còn soi.

Chí kiên cường và lòng dũng cảm.

Ta thêm tự hào ghi tên của anh

Trong sổ vàng truyền thống Đội ta.

Anh qua đời, gương anh còn soi.

Lớp lớp người đang cùng đứng dậy.

Hiến mối thù sâu, giết hết giặc Mỹ.

Cho đàn em vang tiếng cười vui.

Đây Thanh Hóa anh hùng và dòng sông Mã mến yêu.

Vang chiến thắng hôm nào có tên của anh.

Đây tấm gương của tuổi xanh.

Khi hi sinh thật vẻ vang.

Chí anh hùng như Nguyễn Bá Ngọc thật vinh quang.”

Thời ấy, Thanh Hóa, với cầu Hàm Rồng, mảnh đất anh hùng, huyết mạnh giao thông của hậu phương ra tiền tuyến, trở thành đề tài ca khúc của biết bao nhạc sĩ. Khi những bài hát về Thanh Hóa cất lên, chúng tôi lại hướng về miền Trung với tấm lòng ngưỡng mộ và khao khát được ra tiền tuyến tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc. Bài hát Thanh Hóa anh hùng (Hoàng Đạm - 1965) dựa trên chất liệu dân ca Thanh Hóa, khái quát cả quá trình lịch sử vẻ vang của Thanh Hóa từ thời bà Triệu, Lê Lợi tới thời nay, trở thành niềm tự hào chung của cả nước:

“Dô tá dô tà, dô tá dô tà

Ế dô khoan ta dô ta huầy huầy ta huầy huầy ta

Ai về Thanh Hóa (dô tá dô tà)

Thanh Hóa anh hùng (khoan hời hò khoan, ê dô khoan ta hò khoan)

Miền quê (chứ) Lê Lợi (ê dô khoan ta dô khoan)

(Chứ) đã lừng sử xanh, dô tá dô tà

Ế dô khoan ta dô ta huầy huầy ta huầy huầy ta.

Cho gửi cho nhắn (dô tá dô tà), cho nhắn lời mừng

(Khoan hời hò khoan ê dô khoan ta hò khoan)

Mừng tin (chứ) thắng trận (ê dô khoan ta dô khoan)

(Chứ) nức lòng (là) quân dân. Dô tá dô tà

Ế dô khoan ta dô ta huầy huầy ta huầy huầy ta

(dô ta huầy ta, dô ta huầy ta…).

Vui từ thôn xóm, thôn xóm xa xôi

Truyền đi khắp nơi nơi, hải đảo cho đến núi đồi

Vui về Thanh Hóa Thanh Hóa anh hùng

Cờ Bác phấp phới tưng bùng

Miền quê Triệu Trinh nương anh dũng dô tá dô tà, dô tá dô tà

Ế dô khoan ta dô ta huầy huầy ta huầy huầy ta.

Muôn người tay súng (dô tá dô tà)

Tay súng sẵn sàng (khoan hời hò khoan, ê dô khoan ta hò khoan)

Càng hăng (chứ) đánh giặc (ê dô khoan ta dô khoan)

Chứ ta càng sản xuất hăng Dô tá dô tà

Ế dô khoan ta dô ta huầy huầy ta huầy huầy ta.

Phen này giặc Mỹ (dô ta dô ta), giặc Mỹ tơi bời

(Khoan hời hò khoan, ê dô khoan ta hò khoan)

Dù cho chúng xuống biển (ê dô khoan ta dô khoan)

(Chứ) lên trời rồi cũng tan thây. Dô tá dô tà

Ê dô khoan ta dô huầy êdô khoan ta dô huầy.

Bài hát Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao) qua giọng hát của Trung Kiên có tính trữ tình nhiều hơn là hùng ca, đưa tâm hồn người nghe bay vút lên không trung để ngắm nhìn dòng sông Mã tuyệt đẹp và hùng vĩ với những con người anh hùng, để tự hào và tin yêu, cuối cùng là thêm quyết tâm giữ vững dòng sông, nhịp cầu, quê hương thân yêu:

“1. Chờ gió lên đưa thuyền về (ơ ớ) xuôi

Đôi bờ sông Mã lá hoa khoe màu (ơ)

Hò ớ hơ... quê nhà mến yêu

Nắng chiều lưu luyến vươn bóng cau làng quê thân yêu

Hò hò ơ...

Ơ sóng vỗ mái chèo làng thôn quê ta khuất xa trìu mến

Ơ hỡi sông quê nhà hỏi sông nơi đây có bao anh hùng

Hò ơ dô ơ...

Các anh các chị tuổi xuân đôi mươi cánh tay luyện thép

Ơ đánh giặc đêm ngày đạn bom khôn ngăn tiếng ca yêu đời

Hò ơ dô khoan...

Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng

Soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang (ơ)

Ơi quê ta bao yêu thương

Vang nước sông tiếng hát anh hùng (ơ)...

Hùng vĩ đứng bên Hàm Rồng đó

Cau chuối bờ Nam Ngạn tươi xanh (ơ)

Tên cô dân quân hiên ngang

Mãi mãi vang cùng sông Mã anh hùng (ơ)

Hò ơi ơ ớ dô khoan, ơ ớ dô khoan...

2. Hò ơ ớ ơ đưa nhẹ mái chèo (ơ ớ ơ)

Ta chào sông Mã kiên cường đời đời (ơ)

Chào cô dân quân giữ quê nhà (ơ ớ ơ)

Cho thuyền ta mãi lướt trên nước sông trời Thu trong xanh

Hò hò ơ...

Ơ đất quê anh hùng vùi chôn nơi đây xác bao giặc Mỹ

Ơ hỡi sông ta thề dù trong phong ba vẫn vững tay chèo

Hò ơ dô ơ...

Lúa ngập xanh bờ làng thôn quê ta vẫn vui cày cấy

Ơ hỡi ai xuôi ngược dừng nghe câu ca xóm thôn được mùa

Hò ơ dô khoan...

Chào những anh hùng đất Hàm Rồng đó

Giữ vững cầu giữ trời quê ta (ơ)

Ai qua nghe vang bên sông những tiếng ca nhịp sống tưng bừng (ơ)

Lừng lẫy chiến công Hàm Rồng đó

Đây bóng cầu ghi sức mạnh quân dân (ơ)

Ta yêu con sông quê hương yêu những con người bất khuất kiên cường (ơ)

Hò ơ ơ hỡi dô khoan, ơ hỡi dô khoan, ơ hỡi dô khoan...”

Tôi cảm phục người dân Thanh Hóa hơn, khi được tin các cụ già bắn rơi máy bay Mỹ, rồi được nghe bài hát Hát mừng các cụ dân quân (Đỗ Nhuận):

“1. Loa vang tin khắp nơi các cụ vừa hạ rơi máy bay

Những cây súng bộ binh rất tài, nhằm trúng, tan xác ngay giữa biển trời.

Tuổi cao chí càng cao, sẵn sàng chiến đấu, khiến quân giặc Mỹ điên đầu.

Sóng vỗ ngoài khơi khắp làng xóm mừng vui

Ới dô trên đất này những cụ già bắn rơi máy bay

Ới dô trên đất này những cụ già bắn rơi máy bay...

Tin vui vang núi sông Bác Hồ gửi thư khen chiến công

Đất ta các cụ xưa anh hùng, Hoằng Hóa tô thắm thêm đất lửa Hàm Rồng.

Tuổi cao chí càng cao, đêm ngày nung nấu bắt quân giặc Mỹ cúi đầu.

Sóng reo biển Đông vẫy chào các cụ ông

Ới dô chiến thắng này có cụ bà giúp thêm cánh tay

Ới dô chiến thắng này có cụ bà giúp thêm cánh tay... Hay!

(nói vui)

Ờ rứa là các cụ mình đã bắn trúng chiếc máy bay phản lực thứ 2100 rồi đấy nhá. Hà hà...

Nghe tin vui khắp nơi các cụ hạ thêm chiếc nữa rơi.

Rứa mới là dân quân tài, "Thần sấm", "Con ma" cũng bỏ đời.

Biển sâu núi càng cao, nức lòng trai gái, thiếu niên phụ lão anh hùng.

Quyết tâm lập công theo đường các cụ ông

Ới dô ta đánh giặc có trẻ già gái trai rất đông

Ới dô ta đánh giặc có trẻ già gái trai rất đông...

Ai vô Thanh Hóa coi nức lòng trẻ già vui khắp nơi

Nắng mưa các cụ đi không ngại, sườn núi nheo mắt trông giữ biển trời.

Tuổi cao chí càng cao, tay cày tay súng, bước theo truyền thống anh hùng

Áo thấm mồ hôi nhưng lòng các cụ vui

Ới dô bên luống cày, tóc cụ bà phất phơ gió bay

Ới dô trong phút này, mắt cụ già vẫn canh máy bay... Hay!”

Bài hát có tính dân dã, hào sảng, cổ vũ mọi lớp người, già trẻ, trai gái nêu cao ý chí quyết chiến và quyết thắng.

Qua Thanh Hóa là vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đất lửa, vùng cán soong theo cách gọi của Mỹ, nối tiếp huyết mạch giao thông từ tiền tuyến vào hậu phương. Nơi này hứng chịu không biết bao bom đạn của giặc Mỹ, nhưng vẫn đứng vững, và xuất hiện biết bao gương chiến đấu kiên cường, bởi vậy cũng xuất hiện biết bao bài hát ca ngợi vùng đất, con người tuyến lửa ấy.

Nói về Nghệ An, nhạc sĩ Tân Huyền có ca khúc Tiếng hò trên đất Nghệ an. Giọng hát của nghệ sĩ Tuyết Thanh vang lên vừa mượt mà, tha thiết vừa mạnh mẽ, thôi thúc:

“1. Tiếng ai hò trên quê ta đó (ớ ơ ớ ơ) nhặt khoan

Ấy tiếng dân quân luyện tập giữ làng, giữ trời xô-viết Nghệ An.

Ơi dòng nước sông Lam chảy từ trên ngàn

Qua những Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn

Còn nghe, còn nghe tiếng hò ngày xưa vọng vang.

Ơi... (chứ) nước sông Lam biết khi mô cho cạn

Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta

Dù cho bão nổi mưa sa, (chứ) Nghệ An xô-viết vẫn là Nghệ An.

Tiếng ai hò trên quê ta đó (ớ ơ ớ ơ) nghe sao nhặt khoan

Ấy tiếng quân ta công sự sẵn sàng câu hò rung lá ngụy trang.

Ơi mảnh đất quê hương nặng tình vô vàn

Tiếng trống năm xưa xô-viết dậy làng

Giờ đây, giờ đây như giục lòng dân Nghệ An.

2. Tiếng ai hò trên quê ta đó (ớ ơ ớ ơ) mà hay

Ấy tiếng nông dân tay súng tay cày được mùa ngô lúa nặng tay.

Ơi dòng nước sông Lam chảy từ trên ngàn

Qua những quê ta ươm tơ chăn tằm

Còn nghe, còn nghe tiếng hò về khuya gọi trăng.

Ơi (chứ) nước sông Lam biết khi mô cho cạn

Cũng như tinh thần lao động của dân ta

Dù cho gian khổ băng qua (chứ) Nghệ An Xô-viết vẫn là Nghệ An.

Tiếng ai hò trên quê ta đó (ớ ơ ớ ơ) nghe sao nhặt khoan

Ấy tiếng công nhân Bến Thủy, núi Thành trên đường gươm súng hành quân.

Ơi giặc Mỹ hung hăng đừng hòng cắn càn

Xô-viết quê ta tất cả sẵn sàng diệt Mỹ, cùng nhau xới trồng vườn hoa Nghệ An.

Tiếng ai hò bên kia vang tới (ớ ơ ớ ơ) Nghệ An

Ấy tiếng quê hương kết nghĩa thắng càn, câu hò Quảng Ngãi rộn vang.

Ơi mảnh đất thân yêu còn nhiều gian khổ

Như nhắc quê ta nung chí căm thù

Dặn nhau, dặn nhau hãy vì miền Nam vượt lên.

Ơi (chứ) nước sông Lam biết khi mô cho cạn

Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta

Dù cho bão nổi mưa sa (chứ) Nghệ An Xô-viết vẫn là Nghệ An .

Tiếng ai hò trên quê ta đó (ớ ơ ớ ơ) nghe sao nhặt khoan

Ấy tiếng quân dân quê của Bác Hồ gửi lời ra tới thủ đô

Thưa cùng Bác thân yêu và cùng với Đảng

Xô-viết quê ta tất cả sẵn sàng diệt Mỹ cùng nhau xới trồng vườn hoa Nghệ An.”

Bài hát này gợi cho chúng tôi bài học “băng qua gian khổ”, “vì miền Nam vượt lên”.

Nói về Quảng Bình có hai bài hát gây ấn tượng mạnh với tôi, đó là Em bé Bảo Ninh (Trần Hữu Pháp – Nguyễn Văn Dinh) và “Quảng Bình Quê ta ơi” (Hoàng Vân). Qua giọng hát mượt mà, êm ái nhưng cũng mạnh mẽ của nghệ sĩ Kiều Hưng, bài hát “Em bé Bảo Ninh” như một thước phim ghi rõ hành động của một em bé tham gia chiến đấu, tiếp đạn, rồi nhảy cẫng reo vui khi máy bay Mỹ bị quân dân ta bắn hạ.

Bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” mà tôi được nghe lần đầu, là do Nghệ sĩ Thanh Huyền cùng Tốp ca nữ Đoàn văn công nhân dân Trung ương biểu diễn. Với trang phục dân tộc, cùng những cây đàn Tam thập lục, các chị đã cho thấy một vùng đất anh hùng nhưng không khô khan, mà xanh mướt, mềm mại, giàu tình nhân ái. Bản thu Quảng Bình quê ta ơi! do Kim Oanh và dàn Đồng ca Đài TNVN thu năm 1965 được phổ biến rộng rãi tới bây giờ.

Khúc ruột miền Trung đầy sức lôi cuốn như vậy, đã khiến tôi viết đơn tình nguyện vào thường trú ở Nghệ An khi tôi vừa học xong lớp đào tạo nghiệp vụ phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã. Không rõ vì sao, tôi lại được phân công về Hải Dương, rồi sau gần một năm, tôi xin cơ quan cho lên Sơn La thay thế anh Phạm Minh Dũng vì sức khỏe anh không tốt, ở núi rừng không hợp.

(Còn nữa)

Phạm Việt Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-5-a14750.html