Ngành bán lẻ Việt Nam trước ngưỡng 250 tỷ USD vào năm 2025
Chiều 4-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn chính sách và pháp luật về 'Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững tại Việt Nam'.
Diễn đàn nhằm triển khai Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước trong 10 tháng năm 2024 đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt 250 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống bán lẻ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Ông khẳng định phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại và bền vững là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Điều này đòi hỏi các cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mô hình bán lẻ đa kênh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia và đại biểu tập trung đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Những nội dung trọng tâm bao gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển các trung tâm logistics hiện đại, đầu tư hạ tầng bán lẻ, chuyển đổi số và khuyến khích thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh cần cải cách chính sách thuế, phí và tín dụng, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi và tăng cường liên kết chuỗi cung ứng.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tham gia phiên thảo luận với thông điệp: “Hệ thống bán lẻ hiện đại đang là xu thế, mang đến môi trường mua bán văn minh và hiện đại hơn chợ truyền thống”. Tuy nhiên, ông Thành đề nghị mạng lưới bán lẻ hiện đại cần phát huy được những giá trị nhân văn và tình cảm con người mà chợ truyền thống lâu nay nuôi dưỡng được, đưa những giá trị này vào siêu thị, trung tâm thương mại.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), nhắc đến khía cạnh: “Khi bàn đến thị trường bán lẻ, chúng ta mới chỉ bàn đến vấn đề bán được những mặt hàng nào, bán được bao nhiêu, mà ít quan tâm vấn đề bán sản phẩm, hàng hóa theo cung cách nào”.
Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế WinCommerce, đã chỉ ra những thách thức lớn đối với ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Những thách thức này bao gồm chi phí sản xuất cao, tỷ giá và giá nguyên liệu tăng, cạnh tranh từ các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, chỉ số giá tiêu dùng tác động đến sức mua và sự bất ổn trên thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hàng hóa và đáp ứng tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội. Bà kêu gọi doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Phan Văn Chinh khẳng định, sự phát triển nhanh và bền vững của hệ thống bán lẻ Việt Nam chỉ có thể đạt được khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cộng đồng người tiêu dùng. Diễn đàn là cơ hội để Bộ Công Thương tiếp thu những ý kiến sáng tạo và thực tiễn, từ đó xây dựng chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ phù hợp với xu thế toàn cầu và nhu cầu trong nước.