Ngành bao bì: Tăng trưởng xanh hay tụt hậu?
Ngành bao bì và đóng gói tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng trước áp lực tăng trưởng và yêu cầu phát triển bền vững. Khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với bài toán tối ưu chi phí, đổi mới công nghệ và giảm tác động môi trường. Nếu không kịp thích ứng, ngành bao bì sẽ bị tụt hậu trước xu thế toàn cầu hóa và sản xuất xanh.
Áp lực tăng trưởng xanh
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng phát triển xanh, ngành bao bì và đóng gói tại Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn để vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa đáp ứng các tiêu chí bền vững.

Theo ông Johan Boden - Tổng Giám đốc DenEast Việt Nam, đổi mới và phát triển bền vững không thể tách rời nhau, mà luôn song hành để tạo ra sự tiến bộ. Định hướng này hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng Việt Nam không thể mãi là một trung tâm sản xuất chi phí thấp mà phải trở thành một trung tâm đổi mới thực sự.
Dữ liệu từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy ngành bao bì không chỉ đóng vai trò bảo vệ, vận chuyển hàng hóa mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu dùng. Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA, nhận định rằng mặc dù chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế, ngành bao bì vẫn duy trì sức tăng trưởng mạnh mẽ và đang có những bước chuyển mình rõ rệt theo hướng sản xuất xanh.
Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ tăng trưởng là những thách thức lớn về nguyên vật liệu, hành vi tiêu dùng thay đổi và yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm. Chia sẻ tại hội thảo "Xu hướng phát triển bao bì xanh, thân thiện với môi trường: Pháp lý và thực tiễn" ngày 20/2, bà Nguyễn Thanh Giang - Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) 10,25% trong giai đoạn 2023 - 2027, đạt giá trị 872.916 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Điều này đồng nghĩa với việc ngành bao bì và đóng gói phải phát triển nhanh chóng để theo kịp nhu cầu thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, ngành bao bì và đóng gói cần phải phát triển nhanh chóng để theo kịp với thị trường
Không chỉ đối mặt với áp lực tăng trưởng, ngành còn phải giải quyết những thách thức từ vấn đề môi trường. Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết mức tiêu thụ nhựa tại Việt Nam đã tăng gấp 21 lần từ năm 1990 đến năm 2019, đạt 81kg/người/năm. Trước đây, năm 1990, Việt Nam tiêu thụ khoảng 0,2 triệu tấn nhựa, nhưng đến năm 2022, con số này đã vượt hơn 9 triệu tấn. Dự báo đến năm 2029, sản lượng tiêu thụ nhựa có thể tăng gấp đôi. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, mức tiêu thụ nhựa tiếp tục gia tăng sẽ gây ra hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường và áp lực xử lý chất thải.
Giải pháp nào?
Trước sức ép từ thị trường và môi trường, các DN bao bì tại Việt Nam buộc phải nhanh chóng đổi mới để thích nghi. Theo bà Nguyễn Thanh Giang, để bắt kịp tốc độ tăng trưởng của ngành F&B, các DN trong ngành bao bì cần tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: tối ưu chi phí sản xuất, ứng dụng công nghệ xanh và đẩy mạnh tái chế.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất là chuyển đổi sang nguyên vật liệu bền vững. Nhiều tập đoàn lớn, bao gồm cả các thương hiệu quốc tế, đang tích cực nghiên cứu và ứng dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Cùng với đó, các thiết kế bao bì cũng dần được tối giản hóa để giúp quy trình tái chế trở nên hiệu quả hơn.

khách mời tham gia hội thảo "Xu hướng phát triển bao bì xanh, thân thiện với môi trường: Pháp lý và thực tiễn"
Ngoài ra, việc ứng dụng chuyển đổi số và tự động hóa cũng được xem là chìa khóa giúp các DN cắt giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu suất vận hành và giảm lượng khí thải carbon. Hiện nay, Tetra Pak đang đầu tư mạnh vào công nghệ tái chế tại Việt Nam, hợp tác với nhiều đơn vị để đưa sản phẩm tái chế trở lại thị trường. Đồng thời, DN này cũng hỗ trợ xây dựng hệ thống thu gom và tái chế hiệu quả. Đây là một phần trong chiến lược hướng đến Net Zero - trung hòa khí thải carbon trong sản xuất.
Không chỉ là trách nhiệm của DN, bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc Vận hành Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), khẳng định rằng tái chế cần sự chung tay của toàn xã hội. Kể từ năm 2019, liên minh này đã liên kết với nhiều DN lớn để triển khai các chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các bên trong chuỗi cung ứng – từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng - sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn, giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh.
Song song với những nỗ lực từ DN, sự kiện ProPak Vietnam cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành bao bì theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường. Không chỉ là sân chơi công nghệ, ProPak Vietnam còn trở thành cầu nối giúp gắn kết các DN trong chuỗi giá trị bao bì – từ chế biến, đóng gói đến logistics và dịch vụ kỹ thuật. Đây là cơ hội để các DN trong nước tiếp cận với công nghệ tiên tiến, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu cho chiến lược phát triển của mình.

Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc Vận hành Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), cho rằng, không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, tái chế cần sự chung tay của toàn xã hội
Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng để chuyển đổi ngành bao bì theo hướng bền vững. Với sự kết hợp của đổi mới công nghệ, đầu tư vào nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, ngành bao bì không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia về phát triển xanh. Các DN trong ngành cần tận dụng tối đa cơ hội này để không chỉ gia tăng sức cạnh tranh mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu.
ProPak Vietnam 2025: Cập nhật công nghệ bao bì tiên tiến, mới nhất
ProPak Vietnam 2025 - Triển lãm Quốc tế lần thứ 18 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì, sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20/3/2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM. Sự kiện quy tụ hơn 340 doanh nghiệp đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 9.500 khách tham quan.
Sự kiện không chỉ mang đến những giải pháp tiên tiến trong tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả chế biến và đóng gói, mà còn là diễn đàn quan trọng giúp các doanh nghiệp cập nhật xu hướng mới, mở rộng kết nối và hướng đến mô hình sản xuất bền vững.
Ngoài khu vực trưng bày, ProPak Vietnam 2025 còn tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong ngành. Các chủ đề sẽ tập trung vào công nghệ bao bì thông minh, tự động hóa, giảm thiểu tác động môi trường và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chế biến - đóng gói.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nganh-bao-bi-tang-truong-xanh-hay-tut-hau-316173.html