Ngành bao bì xanh còn nhiều dư địa phát triển

Các doanh nghiệp sản xuất bao bì xanh, thân thiện với môi trường đang đứng trước nhiều cơ hội, nhất là tại các thị trường quốc tế nhờ vào xu hướng tiêu dùng xanh toàn cầu.

Thị trường bao bì Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng tăng cao. Phân tích sâu hơn về từng phân khúc, theo dự báo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường bao bì giấy tại Việt Nam ước đạt 2,6 tỉ USD vào năm 2024 và có thể tăng lên 4,14 tỉ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 9,73% trong giai đoạn 2024 - 2029.

Trong ngành nhựa, phân khúc bao bì cũng được dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường với sản lượng dự kiến đạt 15,09 triệu tấn vào năm 2028, CAGR đạt 8,44% trong giai đoạn 2023 - 2028.

Nhiều tiềm năng phát triển

Trao đổi với PLO về tiềm năng ngành, ông Young Liu, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam cho biết, hiện nay ngành bao bì - in ấn trên nền tảng này đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, nhờ vào xu hướng toàn cầu hướng đến tính bền vững.

 Ông Young Liu - Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam.

Ông Young Liu - Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam.

Tính riêng đối với ngành bao bì và in ấn từ các nhà bán hàng đến từ Việt Nam, lượng tìm kiếm đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, với các danh mục sản phẩm chính bao gồm hộp giấy, gỗ và tre.

Ông Young Liu cho biết thêm, hiện nay các nhà bán hàng đến từ Việt Nam không chỉ tăng trưởng về số lượng và doanh thu, mà còn cho thấy khả năng thích ứng mạnh mẽ trong lĩnh vực bao bì và in ấn, đặc biệt là mảng bao bì thân thiện với môi trường.

"Các nhà bán hàng Việt Nam đang thực sự nổi bật với việc sản xuất các sản phẩm bền vững phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh của toàn cầu như ly cà phê giấy dùng một lần, hay ống bìa cứng phân hủy sinh học cho mỹ phẩm. Điều này giúp các nhà bán hàng Việt Nam có lợi thế đáng kể trên thị trường bao bì xanh của Alibaba.com" - ông Young Liu đánh giá.

Một số liệu khác cũng do nền tảng này cung cấp tại một hội nghị xuất khẩu vào hồi tháng 2 năm nay, nhấn mạnh rằng tỉ lệ chuyển đổi người xem sang người mua của nhóm ngành bao bì và in ấn đến từ nhà bán hàng Việt đang rất cao, đạt 8,94%.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Xuân Hải Yến, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Proline Việt Nam chia sẻ, hiện nay doanh số xuất khẩu chiếm tới 75% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Bà Yến cho biết, doanh nghiệp tập trung xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, nhờ đó sản phẩm của Proline đã có mặt ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng khách hàng lớn đều đặn với các đơn đặt hàng khoảng 100.000 USD/tháng.

Dù có lượng hàng ổn định, song bà Yến nhìn nhận: "Hiện nay các doanh nghiệp không chỉ chú trọng vào chất lượng, giá cả, mà còn cả xu hướng tái chế nguyên vật liệu. Cụ thể là gần đây khi xuất hàng sang Mỹ và Vương quốc Anh, khách có xu hướng hỏi rằng: "Sản phẩm chứa bao nhiêu % nguyên liệu tái chế?". Lý do là vì chứng nhận nguyên liệu tái chế có liên quan mật thiết tới thuế quan mà doanh nghiệp phải chịu. Điều này cho thấy xu hướng xanh hóa đã trở thành điều kiện cần có của doanh nghiệp xuất khẩu bao bì".

Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty CP sản xuất Nhựa Duy Tân (DUYTAN Recycling) cũng nhìn nhận, vào khoảng năm 2019, có tới 60% các sản phẩm nhựa tái chế của Duy Tân phục vụ xuất khẩu, do nhu cầu trong nước chưa nhiều. Tuy nhiên gần đây, với làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ, nhu cầu trong nước đang gia tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành giải khát, sữa... đã sử dụng nhựa tái chế trong bao bì. Các tập đoàn đa quốc gia cũng đã đặt mục tiêu sử dụng ít nhất 50% nhựa tái chế trong bao bì vào năm 2030, nên nhu cầu về nguồn cung đạt chuẩn ngày càng tăng.

Ông Đỗ Hữu Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Magix, đơn vị cung ứng giải pháp đóng gói bao bì thông minh cho doanh nghiệp, cũng khẳng định thị trường bao bì vẫn còn nhiều sức hút và dư địa. Trong đó nhu cầu mua sắm online và sự phát triển của thương mại điện tử được cho là một trong những động lực lớn của ngành.

 Ông Tân đang giới thiệu các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. ẢNH: THU HÀ

Ông Tân đang giới thiệu các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. ẢNH: THU HÀ

Giá cả làm chậm quá trình tiêu dùng xanh?

Theo các doanh nghiệp, dù nhu cầu tiêu dùng bao bì thân thiện và xanh đang gia tăng nhưng vẫn còn những thách thức cần giải quyết.

Với vai trò của nhà sản xuất, ông Đỗ Hữu Tân cho biết, chi phí sản xuất bao bì thân thiện với môi trường đang cao hơn 20 - 30% so với các loại bao bì truyền thống. Do đó việc thuyết phục khách bỏ ra chi phí cao hơn để sử dụng bao bì xanh, không phải là dễ dàng.

"Các doanh nghiệp như chúng tôi phải luôn xây dựng câu chuyện "xanh" từ tập trung nghiên cứu, đưa ra giải pháp đóng gói thông minh, tiết kiệm, cho tới đầu tư máy móc hiện đại để tối ưu sản xuất, hạ giá thành..." - ông Tân nói.

Ông Võ Đình Trung, Phó tổng giám đốc Trung tâm cải tiến, đổi mới và bền vững - đại diện SCGP, ngành bao bì Tập đoàn SCG cũng thừa nhận, giá thành nguyên liệu là một thách thức lớn của doanh nghiệp. Theo vị này, hiện nay, nguyên liệu tái chế có thể cao hơn 20-30% so với nguyên liệu thông thường.

"Đôi khi, chúng tôi phải nhập khẩu từ Đài Loan để sản xuất. Chưa kể, ở Việt Nam, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý nguyên liệu tái chế", ông Võ Đình Trung chia sẻ.

Để giải quyết khó khăn, TS Dương Văn Thịnh, cố vấn Cộng đồng lãnh đạo xanh (GLC), giảng viên khoa hệ thống thông tin Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần có công nghệ. Đây được xem là then chốt, giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng, tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm chi phí. Từ đó thúc đẩy hành động thực tế trong việc tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Xanh hóa bao bì không chỉ là tái chế

Với vai trò sản xuất, ông Hữu Tân đồng tình rằng công nghệ sẽ giúp ngành bao bì xanh, thân thiện với môi trường phát triển. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì vẫn phụ thuộc vào toàn bộ chu trình từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Nếu chỉ một công đoạn xanh hóa thì không mang lại hiệu quả thực sự và thậm chí có thể gây tác dụng ngược lại.

Đối với bao bì, ông Tân cho rằng có nhiều cách xanh hóa, không chỉ đến từ chất liệu sản xuất, mà còn là thiết kế bao bì cần tối ưu tính năng và thể tích, hạn chế tối đa không gian thừa. Từ đó tiết kiệm vật liệu và giảm chi phí vận chuyển do thể tích gói hàng nhỏ hơn. Bản chất của kinh tế xanh là làm sao giảm phát thải nhiều nhất có thể.

 Lớp keo nhiệt có thể giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. ẢNH: THU HÀ

Lớp keo nhiệt có thể giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. ẢNH: THU HÀ

"Chẳng hạn, cùng là một chiếc hộp carton, thông thường khi gói hàng nhà bán phải dùng nhiều băng keo để dán nắp hộp. Việc này có thể gia tăng chi phí nguyên vật liệu đóng gói, thời gian đóng gói, đồng thời làm giảm tỉ lệ tái chế sau thu gom.

Thay vào đó chúng tôi dùng công nghệ phun một lớp keo nhiệt (một dạng keo như keo hai mặt- PV) lên phần nắp, và tạo ra các đường xé răng cưa để khách hàng dễ dàng mở hộp, mà không mất nhiều thời gian. Điều này giúp tăng tỉ lệ hài lòng của khách, đồng thời tăng tỉ lệ tái chế hộp và giảm rác thải ra môi trường" - ông Tân lấy ví dụ.

Quan điểm này tương tự với ông Lê Anh, khi vị này cho rằng, ngay cả với ngành nhựa cũng không hẳn là xấu và gây tác hại ra môi trường. Ngược lại, chúng có thể giúp nhựa trở nên thân thiện với môi trường nếu chúng ta có phương án thu gom, tái chế cũng như biết cách sử dụng đúng.

Đang có sự dịch chuyển nhanh

Tôi nhận thấy có khoảng 70% khách hàng sử dụng bao bì truyền thống, 30% còn lại là ưu tiên sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận quá trình phát triển thì xu hướng tiêu dùng bao bì xanh đang có sự dịch chuyển tích cực, bởi chỉ khoảng 3 năm về trước, con số này chỉ ở mức 10%.

Ông Đỗ Hữu Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Magix

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-bao-bi-xanh-con-nhieu-du-dia-phat-trien-post844914.html