Ngành bất động sản 'khát' nhân lực trình độ cao

Với sự linh hoạt và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, bất động sản (BĐS) luôn là ngành hấp dẫn với giới trẻ. Nhiều năm trở lại đây, ngành BĐS đặc biệt thu hút những người có mong muốn được hoạt động trong lĩnh vực này một cách nghiêm túc, lâu dài, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ngành bất động sản: kiến thức chuyên môn là chưa đủ

BĐS là ngành học nghiên cứu về việc đầu tư nguồn vốn nhằm thực hiện hoạt động mua, xây dựng, nhận chuyển nhượng để bán, thực hiện môi giới dịch vụ tư vấn, dịch vụ sàn giao dịch hoặc quản lý BĐS với mục đích sinh ra lợi nhuận.

Hiện nay, ngành BĐS có phạm vi rất rộng. Tùy theo sở thích và định hướng của mình mà sinh viên theo học ngành này có thể lựa chọn các chuyên ngành khác nhau, phổ biến nhất là quản lý BĐS.

Quản lý BĐS là ngành học cung cấp những kiến thức cơ bản để thực hiện công tác quản lý và kinh doanh BĐS. Sinh viên theo học ngành này được trang bị kiến thức nền tảng, áp dụng kiến thức toán, khoa học tự nhiên, môi trường, chính trị, xã hội vào lĩnh vực quản lý BĐS; phân tích ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, chính sách, pháp luật đến quản lý, kinh doanh BĐS...

Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian…), kỹ năng chuyên môn (thu thập thông tin, phân tích các yếu tố kinh tế, thị trường, chính sách, pháp luật đến quản lý và kinh doanh BĐS; kỹ năng lập, quản lý dự án, ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ công việc…).

Sinh viên ngành bất động sản - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quý Minh

Sinh viên ngành bất động sản - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quý Minh

Nếu học đại học, sau 4 năm, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân BĐS và các em sẽ có kiến thức cơ bản, hiện đại về kinh tế và quản trị kinh doanh; kiến thức chuyên sâu về quản trị kinh doanh và quản lý nhà nước về BĐS.

Mục tiêu đào tạo của ngành BĐS không chỉ chú ý trang bị kiến thức chuyên môn phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, mà còn đặc biệt quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm với xã hội, có tư duy khoa học sáng tạo, chủ động và độc lập ở mọi vị trí công tác trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý nhà nước về đất đai và thị trường BĐS.

Sinh viên được rèn luyện các kỹ năng quản lý, tình huống kinh doanh thông qua các giờ học theo phương pháp cùng tham gia trên lớp cũng như những cơ hội thực hành tại các đơn vị kinh doanh trong mạng lưới liên kết gắn đào tạo - thực hành.

Ngoài tài liệu, sinh viên được tạo điều kiện tiếp cận các phương tiện học tập hiện đại, hệ thống máy tính, internet giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức mới, hiện đại, thực tế ở Việt Nam và trên thế giới cử nhân BĐS. Sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc tại: các tập đoàn, công ty đầu tư phát triển, kinh doanh dịch vụ BĐS (quản lý, định giá, môi giới…); ngân hàng, các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư; cơ quan quản lý nhà nước về BĐS và đất đai từ T.Ư đến địa phương...

Ngành bất động sản học gì?

Hiện có nhiều trường đào tạo ngành BĐS và chương trình đào tạo của mỗi trường sẽ có nét riêng. Về cơ bản, chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng quy chuẩn và hội nhập quốc tế.

Đơn cử, nếu theo học ngành quản lý BĐS tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến dựa trên kết quả khảo sát, phân tích nhu cầu tuyển dụng và đào tạo của các tổ chức quản lý, đầu tư, môi giới, kinh doanh BĐS trên thị trường Việt Nam; đồng thời, kế thừa những điểm ưu việt của chương trình đào tạo ngành BĐS của các nước trên thế giới.

Theo học ngành này, sinh viên có thể thỏa sức sáng tạo cùng các dự án khởi nghiệp, hòa mình vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện vì cộng đồng và tham gia giao lưu sinh viên quốc tế. Với những kiến thức và kỹ năng được đào tạo bài bản, sinh viên ngành quản lý BĐS có cơ hội làm thêm tại các tập đoàn BĐS nổi tiếng ngay khi ngồi trên giảng đường đại học, qua đó trau đồi kiến thức thực tiễn, tích lũy kỹ năng mềm và tăng thêm thu nhập.

Ngoài các khối kiến thức chung của trường, một số môn học của ngành này bao gồm: thị trường, kinh doanh, đầu tư và tài chính, kinh tế BĐS,…

Trong quá trình học tập, sinh viên có điều kiện để được tham gia các cuộc thi chuyên môn có quy môn; đi thực tế; thực hành, làm việc tại các đơn vị kinh doanh BĐS trong mạng lưới liên kết gắn đào tạo - thực hành của khoa.

Còn tại Đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF), sinh viên theo học ngành BĐS được cung cấp nền tảng lý thuyết quan trọng về kinh tế, tài chính, luật, kinh doanh, quy hoạch và kiến thức chuyên sâu về môi giới, kinh doanh, đầu tư, quản lý BĐS...

Trong những năm tiếp theo, tùy vào chuyên ngành của mình, sinh viên sẽ được làm quen với nhiều khái niệm mới, phù hợp với chuyên môn và tình hình thực tế của thị trường lao động.

Nắm bắt được yêu cầu về kỹ năng và trình độ đối với nguồn nhân lực tại các DN, Đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện để sinh viên trang bị các nghiệp vụ cần thiết, ứng với lĩnh vực BĐS nói chung và các chuyên ngành nói riêng như: đàm phán và soạn thảo hợp đồng, giao tiếp liên văn hóa, quản lý tài chính cá nhân, thuyết trình, giao tiếp,... và các bộ luật liên quan.

Thông qua những buổi workshop, cuộc thi học thuật và cơ hội tham quan, kiến tập tại các đơn vị uy tín, từ đó được tăng cường khả năng thực chiến, phát huy thế mạnh của bản thân. Kết thúc thời gian đào tạo, sinh viên có đủ năng lực thử sức và chinh phục các vị trí quan trọng tại những công ty chất lượng trong lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh đối với sinh viên luôn được trường đẩy mạnh.

Vì là ngành học kinh tế nên các trường tuyển sinh ngành BĐS đều chọn các tổ hợp cơ bản có toán, như: A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), B00 (toán, hóa học, sinh học), D01: (văn, toán, tiếng Anh), C04 (toán - địa - văn).

Sau khi tốt nghiệp đại học, nếu có nhu cầu nâng cao kiến thức, người học có thể tiếp tục theo học bậc thạc sĩ, tiến sĩ ngành BĐS. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, hiện các trường có đào tạo ngành này đều có đào tạo chứng chỉ ngắn hạn. Do vậy, cơ hội cho ai có niềm yêu thích với công việc liên quan đến BĐS luôn rộng mở.

Theo khảo sát của các nhà trường có đào tạo ngành BĐS, sinh viên ra trường đã tham gia sâu, rộng trong tất cả các mảng thuộc lĩnh vực này. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đi làm đã nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các tập đoàn, công ty đầu tư, kinh doanh, tư vấn BĐS (khoảng 50%); đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và bất động sản từ T.Ư đến địa phương (khoảng 20%); các ngân hàng, công y tài chính, quỹ đầu tư (khoảng 20%) và các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trên mọi miền đất nước (khoảng 10%).

Quý Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-bat-dong-san-khat-nhan-luc-trinh-do-cao.html