Xuất khẩu gạo Thái Lan lao dốc 30%, Việt Nam vượt lên
Các quan chức ngành gạo Thái Lan đang lo lắng khi xuất khẩu gạo quí 1 sụt giảm tới 30%, đánh mất vị trí 'á quân' xuất khẩu gạo toàn cầu vào tay Việt Nam, trong lúc Ấn Độ vẫn ngự trị ngôi vương.

Công nhân sử dụng xe nâng để di chuyển các bao gạo xuất khẩu tại một nhà máy xay xát gạo ở tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) tiết lộ, trong 3 tháng đầu năm, Thái Lan chỉ xuất được 2,1 triệu tấn gạo, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu gạo trắng tụt 53% khi Ấn Độ quay lại thị trường gạo quốc tế và các khách hàng lớn như Philippines giảm nhập khẩu từ 4 triệu tấn năm ngoái xuống dự kiến còn 1 triệu tấn trong năm nay.
Cạnh tranh khốc liệt từ Ấn Độ và Việt Nam khiến các nhà xuất khẩu Thái Lan bất an. Gạo Ấn Độ rẻ hơn tới 40 đô la Mỹ mỗi tấn so với gạo Thái, khiến các nước như Nam Phi, Malaysia và Philippines chuyển sang mua gạo Ấn Độ. Gạo Thái Lan vẫn lép vế dù đã giảm từ 600 đô la/tấn vào năm ngoái xuống còn hơn 400 đô la/tấn.
Ấn Độ đã xuất 2,4 triệu tấn và dự kiến vượt 20 triệu tấn trong năm, trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,3 triệu tấn, sẵn sàng soán ngôi Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong cả năm nay.
Chookiat dự đoán, hoạt động xuất khẩu gạo trong quí 2 sẽ tiếp tục giảm mạnh tương đương quí 1, nhưng TREA vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn cả năm.
Những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến gạo Thái bao gồm chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ, điều kiện thị trường biến động và cơ hội từ Trung Quốc. Với giá gạo trắng Thái Lan chỉ 400 đô la/tấn so với 500 đô la/tấn của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tăng nhập khẩu để bù đắp lượng gạo thiếu hụt. Nhưng Thái Lan vẫn phải “đấu” với Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan để tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tại Mỹ, các nhà nhập khẩu đang tăng cường mua tích trữ gạo thơm Thái (jasmine rice) khi thuế đối ứng 36% áp vào Thái Lan được hoãn 90 ngày, thay vào đó là mức thuế cơ bản 10%.
Năm 2024, Mỹ nhập 1,3 triệu tấn gạo thơm toàn cầu, trong đó 630.000 tấn từ Thái Lan. Riêng quí 1 năm nay, Thái Lan xuất hơn 200.000 tấn gạo thơm sang Mỹ với giá 1.000 đô la/tấn. Cộng với các loại gạo khác, con số xuất khẩu sang Mỹ đạt 830.000 tấn. Nhưng nếu Mỹ tăng thuế lên 20-25% hoặc 36%, chi phí nhập khẩu gạo thơm Thái Lan vào Mỹ có thể tăng vọt lên 1.200-1.300 đô la/tấn, khiến Thái Lan khó cạnh tranh.
Ông Chookiat Ophaswongse chỉ ra rằng, gạo thơm Việt Nam, dù đối mặt với mức thuế đối ứng 46%, vẫn có giá thấp hơn đáng kể, từ 600-700 đô la Mỹ/tấn. Khoảng cách giá này có thể khiến các nhà nhập khẩu gạo của Mỹ chuyển sang nhà cung cấp gạo của Việt Nam..
Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu 850.000 tấn gạo thơm sang Mỹ, so với chỉ 40.000 tấn từ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Mỹ áp thuế mới, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.
Chookiat Ophaswongse kêu gọi nhà chức trách hỗ trợ các nhà xuất khẩu gạo và đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại thuế với Mỹ để ngăn chặn thiệt hại thêm.
Charoen Laothamatas , Chủ tịch TREA lo ngại không chỉ về thuế Mỹ mà còn về chi phí vận chuyển. Bắt đầu từ tháng Mười tới, Mỹ dự kiến áp phí cảng mới lên đến hàng triệu đô la cho mỗi chuyến hàng đến Mỹ vận chuyển bằng tàu do Trung Quốc đóng, có thể đẩy chi phí vận chuyển tăng thêm 6 đô la cho mỗi tấn gạo
Nông dân Thái Lan đang trong tình trạng căng thẳng tài chính vì giá lúa trong nước giảm 30% sau khi Ấn Độ nối lại xuất khẩu hồi tháng Chín năm ngoái.
Các nhà phân tích cho biết, Thái Lan không có khả năng giảm giá gạo để cạnh tranh.
“Chi phí sản xuất lúa gạo của chúng tôi cao, trong khi năng suất lại thấp. Nếu chúng tôi giảm giá gạo xuất khẩu, nông dân sẽ không thể duy trì canh tác” , nhà kinh tế nông nghiệp Somporn Isvilanonda nói.
Ngành lúa gạo và nông dân đang đặt hy vọng vào các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Thái Lan do Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira dẫn đầu và Mỹ.
Các nhượng bộ mà Thái Lan đề xuất bao gồm việc giảm thuế đối với bắp của Mỹ từ 73% xuống 0, cũng sẽ gây tổn hại cho nông dân Thái Lan.
Một làn sóng bắp nhập khẩu giá rẻ có thể làm giảm thêm giá gạo tấm và cám gạo, phụ phẩm tạo ra trong quá trình xay xát gạo và sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, Banjong Tangchitwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội xay xát gạo Thái Lan cảnh báo.
Bốn tổ chức nông dân, bao gồm cả các nhà xay xát gạo đã kiến nghị chính phủ chặn nhập khẩu bắp và bã đậu nành của Mỹ với lý do sẽ làm giảm giá các loại lương thực trong nước sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Chính phủ Thái Lan cam kết rằng, bất kỳ nhượng bộ nào đưa ra trong các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ không làm suy yếu các ngành công nghiệp trong nước.
Theo Bangkok Post, Reuters
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-gao-thai-lan-lao-doc-30-viet-nam-vuot-len/