Ngành chế biến gỗ và bài toán đổi mới công nghệ

Từ đầu năm 2019 đến nay, các mặt hàng lâm sản nói chung đều có bước phát triển tốt khi xuất khẩu tăng 18,1% so với 9 tháng cùng kỳ năm 2018, đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 26,4% tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.

Chế biến gỗ nội thất xuất khẩu tại một đơn vị

Chế biến gỗ nội thất xuất khẩu tại một đơn vị

Nhiều thách thức

Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lâm sản cả năm 2019 dự báo đạt 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018 như kế hoạch của Bộ NN-PTNT. Với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 13% từ năm 2010 đến nay, đây là ngành có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, ở mức 2 con số; có giá trị xuất siêu năm 2018 chiếm 85% trị giá xuất siêu toàn ngành, với gần 7 tỷ USD. Đến tháng 9-2019, xuất siêu lâm sản đạt 6,06 tỷ USD.

Xuất phát điểm ngành chế biến gỗ Việt Nam chậm hơn các nước khu vực Đông Nam Á, nhưng sau hơn 20 năm, ngành này đã vượt qua Malaysia để đứng đầu ASEAN về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc ở châu Á, thứ 5 thế giới. Đó là nhờ lợi thế từ chi phi sản xuất, lao động có năng lực.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiến gần hơn trên con đường trở thành nước cung cấp quan trọng hàng đầu mặt hàng gỗ nội thất thế giới, khi nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước, trong đó Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu với lượng khách hàng mới gia tăng. Theo nhận định của ông Bill Dominguez, Phó Chủ tịch phát triển sản phẩm tại New Classic Home Furniture, việc chuyển đơn hàng sang Việt Nam là một lựa chọn tích cực cho doanh nghiệp (DN) nội thất toàn cầu và ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy ngành này không chỉ có mặt tích cực. Theo nhận định của các DN chế biến gỗ, hiện nay nổi lên nhiều thách thức, đó là tình trạng 2 mặt của việc nhiều DN đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào ngành này.

Ông Cao Duy Tâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Vĩ Đại, cho biết nhà đầu tư FDI đến Việt Nam với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và ứng dụng công nghệ từ nhiều chục năm. Các doanh nghiệp này từ Malaysia chuyển qua Trung Quốc, bây giờ dịch chuyển đến Việt Nam khi nhận thấy cơ hội và những lợi thế. DN FDI mang theo công nghệ, quản trị, khách hàng và tài chính mạnh nên việc tối ưu hóa trong công nghệ sản xuất là chuyện đương nhiên, giúp ngành chế biến gỗ Việt thêm mạnh, đồng thời cạnh tranh lại DN trong nước. Hệ quả là tình trạng khan hiếm lao động.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho rằng làn sóng FDI đến Việt Nam khiến việc tuyển dụng nhân công tăng lên, trong khi việc đào tạo không theo kịp nhu cầu, giá nhân công tăng thêm 10% - 20% mà vẫn khó tuyển dụng. Tình trạng thiếu lao động và nhu cầu ngày càng tăng về năng lực gây ra sự gián đoạn thời gian sản xuất. Nếu năm 2018, thời gian sản xuất cho một đơn hàng khoảng 75 ngày, nay lên 90 ngày, thậm chí 120 ngày. Khâu sản xuất bị gián đoạn làm thời gian sản xuất bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, năng suất lao động của DN trong nước thuộc nhóm thấp nhất các nước ASEAN. Theo đánh giá của Bộ LĐTB-XH, năng suất lao động Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng. Thách thức khác là nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng... Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu lan vào ngành nội thất, làm thay đổi công nghiệp thiết kế sản phẩm và cách sản xuất.

Tránh sập bẫy công nghệ

DN chế biến gỗ trong nước đối diện với nhiều yêu cầu cùng lúc: Giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để có thể giữ và đón khách hàng mới. Còn phải linh hoạt để trụ vững và đón đầu những thay đổi trong tương lai. Vì vậy, mỗi DN cần có tầm nhìn mới.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, chìa khóa để cùng giải 2 bài toán ấy là tư duy lại mô hình sản xuất của mình, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực. Với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác công nghệ cao, kết hợp các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot... công nghệ chế biến gỗ đang tiến đến những bước phát triển bùng nổ, mang lại cho DN nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động… Nếu định hướng phát triển tốt, DN sẽ khai thác được giá trị công nghệ mang lại, hướng đến sự phát triển bền vững.

Nhưng ông Quốc Khanh cảnh báo, đầu tư phải từ nhu cầu của chính mình. Hiểu rõ nội tại DN, nắm bắt các giải pháp đang có, cùng tư vấn từ nhà cung cấp thiết bị, đơn vị tư vấn chuyên nghiệp. Càng có nhiều thông tin, càng hiểu rõ nhu cầu phát triển của DN sẽ giải được bài toán đầu tư hiệu quả. Bởi dây chuyền sản xuất là một phần của hệ thống, càng kết nối chặt chẽ với nhau, DN càng khai thác thêm được nhiều giá trị. Do đó, quyết định đầu tư thiết bị cần có tư duy cả hệ thống từ kinh doanh, thiết kế, vận hành quản trị... để có sự cân bằng giữa thiết bị mới và cũ.

Nói theo ông Cao Duy Tâm, phải xác định khách hàng là ai? Việc tư duy lại mô hình, chọn lại cách thức sản xuất, tự động hóa, dây chuyền hóa, đa năng hóa trong thiết bị để phát huy tối đa hóa thiết bị và tối thiểu hóa lao động. Đó chính là hiệu suất lao động của công nhân. Bà Nguyễn Thị Lành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuận Hiền, cho rằng phải xuất phát từ nhu cầu của mỗi DN, không thể bắt chước, càng không phải phong trào, có như vậy mới tránh bị sập bẫy công nghệ trong đầu tư.

CÔNG PHIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nganh-che-bien-go-va-bai-toan-doi-moi-cong-nghe-622378.html