Ngành chip đặt quá 'nhiều trứng vào giỏ AI'?
Ngành công nghiệp chip đang 'hốt bạc' khi cơn bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đưa lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty đầu ngành như Nvidia (Mỹ) và TSMC của Đài Loan lên các mức cao chưa từng thấy.
Thế nhưng, khi cơn bão thuế quan của Tổng thống Trump đang rình rập và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ, ngành công nghiệp bán dẫn khó có thể thoát được những tác động tiêu cực khi đặt cược quá lớn vào lĩnh vực chip AI.

Các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp chip như TSMC; Nvidia và ASML đều đang dồn lực cho mảng chip AI. Ảnh: AFP
Hôm 17-4, TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới công bố lợi nhuận quí 1 đạt 11,12 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu chip AI mạnh mẽ. Hãng dự báo doanh thu “khủng” cho quí hiện tại, đồng thời giữ nguyên kế hoạch chi tiêu vốn bất chấp những bất ổn từ thuế quan của Mỹ.
TSMC kỳ vọng doanh thu từ chip AI sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. CEO C.C. Wei của TSMC còn tự tin tuyên bố với các nhà phân tích rằng, mảng chip AI sẽ tăng trưởng với tốc độ 45% mỗi năm trong vài năm tới.
Thế nhưng, chỉ một ngày trước đó, ASML (Hà Lan), nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất thế giới, khiến nhà đầu tư "toát mồ hôi" khi báo cáo đơn hàng trong quí đầu tiên thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Thuế quan đang làm triển vọng kinh doanh mịt mờ hơn, nhưng CEO Christophe Fouquet của ASML vẫn lạc quan. “AI vẫn là động lực chính của thị trường”, Fouquet nói và lưu ý thêm rằng, nếu tình hình suôn sẻ, ASML có thể chạm mức doanh thu cao nhất trong phạm vi dự báo 30-35 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.
Sự lạc quan này không khó hiểu khi tiền đang chảy ào ào vào lĩnh vực AI. Những tập đoàn công nghệ chi tiền lớn cho AI và chip như Meta, Googlem Microsoft và Amazon vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc trong các kế hoạch đầu tư khổng lồ.
CEO Amazon Andy Jassy, người lên kế hoạch đầu tư vốn 100 tỉ đô la trong năm nay, nhấn mạnh trong thư gửi cổ đông tuần trước rằng, AI đòi hỏi mức đầu tư vốn cực lớn... Trong khi đó, Sundar Pichai, CEO Alphabet, công ty mẹ của Google cũng khẳng định sẽ đầu tư 75 tỉ đô la trong năm nay.
Trong tuần này, Nvidia cho biết sẽ chịu tổn thất lên tới 5,5 tỉ đô la do các quy định mới yêu cầu hãng này phải xin giấy phép xuất khẩu chip AI H20 sang Trung Quốc, dòng chip từng giúp hãng thu về khoảng 12- 15 tỉ đô la chỉ trong năm 2024.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã chỉ đạo Bộ Thương mại mở cuộc điều tra theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, nhằm đánh giá tác động của nhập khẩu chip đối với an ninh quốc gia. Cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm chip từ các đối tác như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản.
Ông C.C. Wei cho biết, TSMC chưa thấy khách hàng thay đổi hành vi, dù là tranh thủ đặt hàng trước khi Mỹ áp thuế đối với chip hay rút lui vì triển vọng u ám. Nhưng thuế quan vẫn là một "ẩn số" lớn.
“Hành vi mua sắm của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh giá cả có thể tăng cao”, nhà phân tích Brian Chin của ngân hàng đầu tư Stifel nhận định.
Sau khi tăng lên các mức cao kỷ lục, giá cổ phiếu của TSMC giảm 20% trong năm nay do sự không chắc chắn về chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ. Và còn một vấn đề nữa, liệu cơn sốt chi tiêu cho AI mà TSMC đang dựa vào có bền vững? Đặc biệt khi một số mảng kinh doanh hỗ trợ AI như quảng cáo của Meta, Google, hay Amazon có thể lao đao nếu kinh tế toàn cầu trượt dốc.
Ngành chip sẽ “khỏe” hơn nhiều nếu nhu cầu tăng đều ở nhiều lĩnh vực, như thời đại dịch Covid-19. Vào thời điểm đó, chip thiếu hụt trầm trọng trong các lĩnh vực từ xe hơi, máy tính cho đến điện thoại thông minh. Đó là thời kỳ tăng trưởng đa dạng và rực rỡ của ngành chip khi AI chưa phải là “ngôi sao”.
Nhưng bối cảnh thị trường hiện nay đã khác. Theo dự báo hãng nghiên cứu thị trường, Inte ational Data Corp., doanh số điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu trong năm nay chỉ tăng 2,3%, mức tăng trưởng khá èo uột khi đặt trong bối cảnh các nhà sản xuất smartphone kỳ vọng AI sẽ thúc đẩy người dùng mua thiết bị mới.
Máy tính cá nhân cũng không khá hơn, với mức tăng trưởng doanh số toàn cầu dự kiến chỉ tăng 3,7% trong năm 2025. Xe điện, từng được xem là cơ hội vàng cho ngành chịp, cũng đang mất dần sức hút. Nhu cầu chip trong các ngành công nghiệp và thiết bị internet vạn vật (IoT) cũng ảm đạm trong vài năm gần đây.
Cơn sốt AI đã che lấp các điểm yếu đó. Tuy nhiên, khi thuế quan và hạn chế xuất khẩu của Mỹ đang phủ bóng thị trường, các nhà đầu tư và hãng chip không nên quá tự tin rằng chip AI sẽ mãi là “chiếc phao cứu sinh” khi doanh thu ở các mảng chip khác tăng trưởng trì trệ.
Theo WSJ
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-chip-dat-qua-nhieu-trung-vao-gio-ai/