Ngành công nghệ này của Trung Quốc đang dần thống trị toàn cầu
Các hãng chuyên gia công thuê chuyển sang phát triển thương hiệu robot hút bụi độc lập. Những công ty này liên kết để tăng tính cạnh trang, chống phá giá.
Từ nhà máy OEM, chỉ phụ trách sản xuất theo đơn hàng, dán nhãn của thương hiệu khác, các công ty Trung Quốc bắt đầu tự ra mắt robot hút bụi. Tuy nhiên, khả năng lắp ráp của các đơn vị này ở mức lớn, vượt khỏi dung tích thị trường nội địa.
Do vậy, họ tìm cách mở rộng, xuất khẩu robot ra quốc tế. Đó là lý do người dùng khắp thế giới nhìn thấy sự hiện diện rộng rãi của Roborock, Ecovacs hoặc Dreame trong những năm gần đây.
Từ hậu trường ra sân khấu
Trung Quốc là "công xưởng của thế giới" trong nhiều năm qua, bao gồm cả ngành gia dụng như robot hút bụi. Tuy nhiên gần đây, thương hiệu nội địa của nước này nổi lên như những đối trọng thực sự. Tiền thân của công ty dẫn đầu mảng này ở quốc gia tỷ dân đều là doanh nghiệp OEM, sản xuất thuê cho đối tác nước ngoài. Mục tiêu mới của họ là chiếm phần lợi nhuận lớn hơn trong chuỗi cung ứng.
“Nếu bạn sản xuất những thứ rẻ tiền, chúng sẽ phải rẻ hơn. Nếu hôm nay công ty giao một sản phẩm giá 100 euro, lần sau họ sẽ đòi giá 95 euro, còn 90 euro cho lần sau nữa. Thật tiếc khi doanh nghiệp phải bán sản phẩm chất lượng cao với giá thấp”, Guo Renjie, Giám đốc Điều hành Zhuimi Technology China, công ty chủ quản thương hiệu Dreame, nói trong cuộc phỏng vấn.
Ngành robot hút bụi có khoảng 25 năm phát triển. Trước đây ngành này do các công ty Mỹ thống trị. Trung Quốc tham gia với vai trò OEM. Theo thời gian, doanh nghiệp nội địa tạo ra một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh với chi phí phải chăng. Họ dần nắm được các công nghệ cốt lõi và tự dán nhãn cho sản phẩm mình sản xuất.
Cobos, hãng thiết bị vệ sinh lâu đời của Trung Quốc cũng bắt đầu với vai trò OEM. Sau khi tích lũy tài chính và kinh nghiệm, họ sáng lập ra thương hiệu Ecovacs. Theo China Business News, hiện Lake Electric đang phát triển thương hiệu này, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động OEM như nguồn thu chính.
“Sự đi lên của các thương hiệu độc lập đóng vai trò lớn. Việc chỉ dựa vào OEM xuất khẩu có giá trị thặng dư thấp”, Ma Jia, Giám đốc Nghiên cứu ngành gia dụng Trung Quốc của GfK cho biết.
Các công ty này đầu tư thêm vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), thêm tính năng độc quyền và đăng ký bằng sáng chế trên phạm vi toàn cầu. Bằng cách này, họ gia tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường lớn thay vì tập trung cho giá bán.
Nói không với giảm giá
China Business News cho biết có khoảng 4,1 triệu robot lau dọn được bán ở Trung Quốc trong năm 2023. Tuy nhiên, năng lực sản xuất tối đa của quốc gia tỷ dân vào khoảng 15 triệu chiếc. Như vậy, hơn 10 triệu sản phẩm cần được các nhà sản xuất nội địa xuất khẩu mỗi năm.
Ngoài ra, mục tiêu của các ông lớn Trung Quốc trong mảng này là gia tăng lợi nhuận. Tại Triển lãm Thiết bị Điện tử AWE 2024, các công ty OEM được kêu gọi “đồng lòng”, không hạ giá sản phẩm. Hơn 20 doanh nghiệp Trung Quốc đã ký kết công ước để chống cạnh tranh không lành mạnh và duy trì trật tự ngành.
Từ năm 2023, Zhuimi Technology đã tuyên bố không tham gia vào cuộc chiến giá. Ở châu Âu, thiết bị của Zhuimi (Dreame) và Shitou (Roborock) được bán ngang bằng với iRobot của Mỹ. Các công ty này cho rằng bằng việc duy trì ổn định lợi nhuận, họ có thể đầu tư ngược lại cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh.
Trong ngành sản phẩm điện tử, robot hút bụi Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Những công ty gia dụng lâu đời như Hisense, Haier mất 10 năm để giành được 10% thị phần toàn cầu mảng TV, máy lạnh. Hãng di động gồm Xiaomi, Oppo, Huawei cần 5 năm để lấy 40% thị phần (ngoài Bắc Mỹ). Trong khi đó, robot hút bụi Trung Quốc đã lấy hơn 40% thị phần toàn cầu (ngoài Bắc Mỹ) trong hai năm.
China Business News đánh giá mảng robot lau dọn còn nhiều tiềm năng phát triển với các công ty Trung Quốc bởi đây là ngành mới. Theo đó, TV, máy lạnh đều có tuổi đời nhiều năm, được các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản phát triển với đầy đủ tính năng, khó tạo ra khác biệt. Trong khi đó, sản phẩm lau dọn hiện còn nhiều điểm yếu, có thể bổ sung bằng giải pháp công nghệ qua quá trình R&D.