Ngành công nghiệp cần gì để tự chủ, hùng cường?
Nếu không chuyển đổi số quyết liệt, liên kết chuỗi giá trị sâu sắc và tăng tốc nội địa hóa, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội vươn lên trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực.
Đó là thông điệp được đưa ra tại tọa đàm "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ, hùng cường" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức.

Tọa đàm "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ hùng cường" diễn ra sáng 27/5.
Chỉ 2,1% doanh nghiệp đã số hóa hoàn toàn
Khẳng định vị trí trung tâm của sản xuất công nghiệp, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh vai trò ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quân, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp là khó nhất trong tất cả những loại hình chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, sự thay đổi trong tư duy quản lý và vận hành, cũng như việc làm chủ các công nghệ lõi.
Mặc dù hành lang chính sách đã rộng mở, thực tế tại các doanh nghiệp lại cho thấy một bức tranh nhiều gam màu, nơi cơ hội và thách thức đan xen. TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Theo một số nghiên cứu mà chúng tôi triển khai, có thể thấy rằng nhận thức cũng như thực trạng của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn chưa được chủ động và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng".
Ông Huân dẫn chứng: Có đến 65% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, và hơn 50% doanh nghiệp không có mục tiêu cụ thể khi tham gia. Đây là những con số biết nói, phản ánh một thực tế là phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn còn đứng ngoài cuộc chơi hoặc tham gia một cách bị động, thiếu chiến lược bài bản.
Ông Huân lý giải thêm: Nhiều doanh nghiệp dù có kế hoạch, mục tiêu chủ yếu tập trung vào các vấn đề ngắn hạn như cải thiện chất lượng, tăng thị phần, nâng cao hiểu biết về chuỗi. Trong khi đó, các vấn đề nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi như nâng lực quản trị rủi ro, tăng cường khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng lực công nghệ thì chưa được quan tâm nhiều.
"Khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình, với những khó khăn cụ thể thường gặp phải là "thời gian giao hàng và tiêu chuẩn kỹ thuật", TS. Huân nhận xét.
Khi được hỏi về những rào cản lớn nhất, doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất thường đến từ các yếu tố bên ngoài, như thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Do vậy, theo ông Huân, mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành nhưng việc triển khai và thực thi tại địa phương, cũng như khả năng tiếp cận của doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại như hạn chế về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực cũng là những thách thức không nhỏ.
Thực tế về chuyển đổi số cũng cho thấy một khoảng cách lớn giữa mục tiêu và hành động. Theo số liệu từ VCCI, dù có tới 31,6% doanh nghiệp cho biết đã sử dụng một số hình thức công nghệ số và 83,7% bày tỏ ý định đầu tư cho chuyển đổi số trong 2 năm tới, nhưng chỉ có 2,1% doanh nghiệp báo cáo đã số hóa hoàn toàn. Đáng chú ý, gần 60% doanh nghiệp dự kiến chỉ chi khoảng dưới 100 triệu đồng cho các hoạt động chuyển đổi số, một con số còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tế của quá trình này.
Tuy nhiên, khát vọng vươn lên của doanh nghiệp Việt là rất lớn. Khi được hỏi về các hình thức hỗ trợ mong muốn, khảo sát của VCCI cho thấy doanh nghiệp chú trọng nhất đến hỗ trợ kết nối 38,9%, tiếp theo là hỗ trợ thông tin thị trường 27,2%, hỗ trợ tài chính 20,8%, tiếp cận công nghệ 20,4% và đào tạo 18,8%.
Cần xây dựng quỹ chấp nhận rủi ro trong đầu tư công nghệ?
Để giải quyết những "điểm nghẽn" và thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn bứt phá, cần có những giải pháp đồng bộ và sự hiệp lực từ nhiều phía. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), đã đưa ra những kiến nghị cụ thể, đặc biệt nhấn mạnh vào việc khơi thông nguồn vốn: "Chúng tôi muốn đề xuất khơi thông về tới nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. Chính phủ cần phải đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, không chỉ là các nguồn vay ngân hàng mà còn phải xây dựng nhiều quỹ chấp nhận rủi ro trong đầu tư công nghệ".
Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực và kết nối với các tập đoàn đa quốc gia cũng là yếu tố then chốt. Bà Hương nhấn mạnh: "Đầu tư và nguồn nhân lực, cái này chắc chắn là bàn tay từ Chính phủ, doanh nghiệp chỉ biết tổ chức sản xuất và sử dụng nguồn nhân lực. Cuối cùng là tôi nhấn mạnh vẫn phải tăng cường thu hút FDI nhưng có chọn lọc ở những hạng mục công nghệ cao và cần có khuyến khích kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội - thì chúng ta mới có cơ hội tham gia vững mạnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu."
Sự chủ động từ chính các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một hệ sinh thái công nghiệp phát triển. Ông Cao Đại Thắng, Chủ tịch INTECH Group chia sẻ nỗ lực trong việc xây dựng chuỗi cung ứng và tạo ra các nền tảng kết nối: "Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, INTECH rất mong muốn chương trình triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam không chỉ là nơi các doanh nghiệp trưng bày các gian hàng, mà còn là cầu nối để cho các chủ doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ về tri thức, công nghệ.