Ngành công nghiệp góp sức đưa Bình Dương tăng trưởng 2 con số

Năm 2025, Bình Dương đặt ra mục tiêu tăng trưởng 10% trở lên. Công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu tư hạ tầng được xác định là những lĩnh vực, động lực để thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, đạt mục tiêu đề ra.

Nhà máy Lego dự kiến đi vào hoạt động tháng 4-2025 sẽ là điểm nhấn cho ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương

Chuẩn bị tốt mọi mặt

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bình Dương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2025 đạt từ 10%, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12%, dịch vụ tăng trên 10% so với năm 2024. Năm 2025, phấn đấu quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt trên 572.442 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 195 triệu đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng tối thiểu 10%/ năm, với xuất khẩu đạt khoảng 38 tỷ đô la Mỹ, nhập khẩu 26,8 tỷ đô la Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, năm 2025 tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng, lạm phát tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cùng với đó là những thách thức nội tại của nền kinh tế như chuyển đổi số, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Tuy vậy, ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần S Furniture (TP.Tân Uyên), cho rằng mục tiêu xuất khẩu, tăng trưởng công nghiệp của tỉnh trong năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được. Bởi hiện nay, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh khả quan hơn nhiều so với năm 2024. Riêng đối với S Furniture, kỳ vọng năm 2025 sẽ đạt tăng trưởng từ 25 - 30%.

“Sự chuẩn bị tốt của các DN ngành gỗ là một trong những yếu tố giúp toàn ngành hoàn thành mục tiêu năm 2025. Cụ thể, các DN trong ngành đang tập trung chuyển đổi số, ứng dụng số vào trong sản xuất kinh doanh, giúp tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại không những giúp giảm chi phí về lao động, mà còn làm tăng chất lượng sản phẩm. Các DN cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, chú trọng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Bởi chuyển đổi xanh hiện nay là yêu cầu bắt buộc từ khách hàng, của thị trường xuất khẩu, nếu không chuyển đổi DN sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro”, ông Huỳnh Thanh Vạn nói.

Ông Jesper Hassellund Mikelsen, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III), cho biết công ty đang nỗ lực rất lớn để đưa nhà máy đi vào hoạt động đúng kế hoạch (tháng 4-2025), khai thác tốt hơn nữa các cơ hội và mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng với sự phát triển của Bình Dương. Ông kỳ vọng khi nhà máy đi vào hoạt động không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho công ty, cho tỉnh Bình Dương mà còn tạo động lực phát triển cho các ngành công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng mục tiêu tăng trưởng 2 con số là động lực để Bình Dương phấn đấu. Tuy nhiên, Bình Dương cần lưu ý không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá mà phải hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo; phải có sự thống nhất, thỏa thuận và cam kết giữa Trung ương và địa phương; tháo mở về cơ chế, chính sách trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Theo yêu cầu của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn. Đây là mức phấn đấu cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng trưởng 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%.

Theo Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du Lịch, để đạt được mục tiêu tăng trưởng về công nghiệp cũng như các mục tiêu chung, Bình Dương cần tập trung tạo sự đột phá về thể chế và môi trường đầu tư, cơ cấu lại các ngành công nghiệp trong các khu công nghiệp, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và gắn việc cơ cấu lại các khu công nghiệp với phát triển đô thị. Đây cũng chính là động lực để tăng tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ. Bên cạnh đó, địa phương cần chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện cơ chế liên kết ngân hàng - DN để kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng; sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các DN đổi mới công nghệ và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, Bình Dương đang có nhiều lợi thế phát triển khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này sẽ giúp cho Bình Dương thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào nhiều lĩnh vực.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nganh-cong-nghiep-gop-suc-dua-binh-duong-tang-truong-2-con-so-a341070.html