Vùng ĐBSCL: Cần Thơ được giao mục tiêu tăng trưởng 9,5%

Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó cao nhất là Cần Thơ ở mức 9,5%.

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 25, đưa ra mục tiêu tăng trưởng cho 63 tỉnh thành trong cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất vùng cho Cần Thơ (9,5%). Những địa phương được giao chỉ tiêu tăng trưởng trên 8% là: Bạc Liêu (9%); Hậu Giang (8,8%); Long An (8,7%); An Giang (8,5%). 8 địa phương còn lại phấn đấu tăng trưởng đạt mức 8%.

Trà Vinh tăng trưởng dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024

Năm 2024, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 7,31%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đứng thứ 3/6 các vùng kinh tế. Tổng giá trị tăng thêm năm 2024 của cả 3 khu vực là 7,46%, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,18%; khu vực dịch vụ tăng 7,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,65%.

Quy mô tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn theo giá hiện hành đạt 1.409,28 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2023 và chiếm 12,2% sản phẩm cả nước. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng năm 2024 đạt 80,7 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 5/6 vùng trên cả nước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các tỉnh trong vùng duy trì tăng trưởng tốt, trong đó các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang và Hậu Giang có mức tăng trưởng cao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng đạt 44,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,44% so năm 2023. Xuất khẩu cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 25,7 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Trà Vinh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong Top 10 của cả nước, đạt 10,04% so với năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,15%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,23%, đóng góp 6,56 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.

Hậu Giang đứng thứ hai toàn vùng về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 khi tăng 8,76%, vượt kế hoạch đề ra là 7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 90,04 triệu đồng (kế hoạch 88,84 triệu đồng), tương đương 3.602 USD, tăng 12,09% so với cùng kỳ, vượt 1,35% kế hoạch.

Long An đứng thứ ba toàn vùng với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,3% so với năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,82% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,08%; khu vực dịch vụ chiếm 26,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,70% (cơ cấu tương ứng của năm 2023 là: 15,48%; 52,0%; 26,67%; 5,85%).

Với Cần Thơ, địa phương được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất vùng năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước tính tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, ngoại trừ năm 2022 do phục hồi sau dịch.

Quy mô kinh tế TP Cần Thơ năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt hơn 133.064 tỷ đồng, tăng 11,47% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 9,44% trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 9,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,88%; khu vực dịch vụ chiếm 53,12%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,04%.

Tổng sản phẩm bình quân đầu người của Cần Thơ năm 2024 đạt mức 104,63 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.162 USD), tăng 10,34% so với năm 2023, tương ứng với tăng 9,81 triệu đồng.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vung-dbscl-can-tho-duoc-giao-muc-tieu-tang-truong-95-38058.html