Ngành công nghiệp hỗ trợ 'lột xác' - Bài 3: Cơ hội lớn khi sân chơi toàn cầu dịch chuyển
Theo các chuyên gia kinh tế, chưa bao giờ làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam mạnh mẽ như hiện nay, nhất là khi các tập đoàn đa quốc gia đã dịch chuyển đầu tư. Cơ hội mở ra rất lớn nhưng vấn đề là làm sao để các doanh nghiệp (DN) Việt thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Làn sóng FDI tăng mạnh
Sau đại dịch Covid-19, làn sóng FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Tính lũy kế đến hết tháng 12-2023, cả nước có 38.844 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 462,4 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 294,2 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% và số dự án đăng ký mới là 3.188 dự án, tăng 56,6%. Điều đáng nói là xu hướng đầu tư của các DN FDI khá rõ nét khi có đến 60,7% tổng vốn đầu tư tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), khẳng định, vị thế thu hút đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể. Khảo sát được EuroCham thực hiện vừa qua cũng cho thấy, 62% người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam nằm trong tốp 10 điểm đến đầu tư toàn cầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất.
Mới đây, tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Nâng tầm - Khởi động” do Bộ Công thương phối hợp Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, đại diện phái đoàn Hoa Kỳ đã cam kết dành 240 triệu USD để phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn, trong đó tập trung hỗ trợ cho các DN Hoa Kỳ đang có chiến lược đầu tư lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cũng tại sự kiện này, ông Ace Wilson, Giám đốc tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam, thông báo sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư hơn nữa tại Việt Nam. Trước đó, Tập đoàn Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD tại Khu Công nghệ cao TPHCM, sản xuất và cung ứng đến 70% sản lượng chip Intel trên toàn cầu. Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của nhà máy này hiện chạm mốc hơn 80 tỷ USD từ năm 2010 đến nay.
Cùng với Tập đoàn Intel, việc chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam của các tập đoàn lớn khác như Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, GE, ACORN International, General Dynamics... đang tạo sức hút nóng kéo theo hàng loạt DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam.
Nói về làn sóng FDI mới vào Việt Nam, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Việt Nam, chia sẻ, Tập đoàn Qtech đã triển khai đầu tư nhà máy sản xuất quang học điện tử tại Nghệ An với tổng vốn khoảng 430 triệu USD. Đây là 1 trong 3 nhà sản xuất module camera hàng đầu thế giới. Cùng với đó, hãng xe máy điện Yadea cũng vừa được tỉnh Bắc Giang cấp phép đầu tư nhà máy với tổng vốn lên đến 100 triệu USD. Hay như nhà sản xuất vỏ xe Haohua có vốn đầu tư 500 triệu USD cũng đã được tỉnh Bình Phước chấp thuận.
Trước đó, Công ty Innovation Precision Việt Nam (xây dựng nhà máy hợp kim nhôm với tổng vốn đầu tư 163 triệu USD) và Công ty Runergy (xây dựng nhà máy vật liệu bán dẫn với vốn đầu tư 293 triệu USD) cũng lần lượt nhận được cấp giấy phép tại tỉnh Nghệ An...
Điều đó đã được các chuyên gia kinh tế khẳng định, Việt Nam là điểm đến mới được các nhà đầu tư nước ngoài chọn “làm tổ”. Cùng quan điểm này, ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, khẳng định, Nhật Bản hiện có 1.657 dự án đang hoạt động trên địa bàn TPHCM với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ USD. Trong định hướng chiến lược, Chính phủ Nhật Bản xác định Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với DN Nhật Bản trong việc xây dựng, mở rộng và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dưỡng DN nuôi nội lực cho nền kinh tế
Các chuyên gia kinh tế và DN nhận định, việc đổ bộ của DN FDI là miếng bánh thị phần lớn cho DN trong nước, nhưng để chạm tới thì không dễ. Ông Trần Thanh Lãm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CNS Amura Precision, chia sẻ, dù sản phẩm của công ty đang cung ứng ổn định tại các chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng áp lực cạnh tranh giá và giá phải giảm ở mức 3% theo từng năm. Điều này khiến biên độ lợi nhuận của công ty ngày càng mỏng, rất khó để giữ được chân khách hàng lâu dài. Vì vậy, để “chắc chân” ở chuỗi cung ứng, DN trong nước nhất thiết phải tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ lõi.
“Chúng ta đối mặt với sự thật là những sản phẩm công nghệ lõi thì DN FDI sẽ làm trực tiếp hoặc giao cho những DN cùng nước sở tại thực hiện. Thậm chí, có những DN FDI còn chọn giải pháp chỉ định những DN đầu tư nhà máy trong nước mình để sản xuất dòng sản phẩm này nhằm đảm bảo tính bảo mật công nghệ. Đó cũng là lý do mà trong số 300/2.000 DN nội đang đứng chân chuỗi cung ứng toàn cầu thì chưa có DN nào có thể cung ứng sản phẩm công nghệ cao, cốt lõi như sản phẩm bán dẫn, bo mạch điện tử, chip…”, bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, trăn trở.
Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ tập trung vào chính sách ưu đãi đầu tư từ các địa phương, cao hơn là trung ương thì chưa đủ mạnh để DN FDI phải chuyển giao công nghệ lõi cho DN trong nước sản xuất. “Các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới kiến tạo chuỗi cung ứng Made in Vietnam”, ông Đỗ Phước Tống (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM), nêu giải pháp.
Đặc biệt, theo các DN, chính sách hỗ trợ vốn từ cơ quan chức năng phải nhất quán, hạn chế thay đổi để giúp DN có điều kiện đầu tư, phát triển. Ví dụ, để hỗ trợ DN ngành CNHT, TPHCM từng ban hành chương trình cho vay vốn kích cầu. Theo đó, những DN đầu tư lĩnh vực CNHT sẽ được hỗ trợ vay vốn lên đến 100 tỷ đồng, trường hợp dự án cần vay vốn vượt số tiền này thì UBND TP xem xét quyết định. Những DN được xét duyệt sẽ nhận mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi. Tuy nhiên, chương trình này đã bị dừng đột ngột từ năm 2020 đến nay, nên nhiều DN cần vốn đầu tư đi vay ngân hàng với lãi suất 8%-12%.
Ở khía cạnh khác, theo các DN, cần có sự “chắt lọc” trong việc thu hút vốn đầu tư để tránh nguy cơ đẩy DN trong nước vào thế không thể cạnh tranh nổi ngay trên sân nhà. Ông Phan Đăng Tuất phân tích, chính sách thu hút DN FDI cũng kéo theo nhiều DN sản xuất CNHT ngoại gia nhập thị trường trong nước. Nếu so với DN trong nước, DN CNHT nước ngoài có nhiều lợi thế hơn; thời gian hoạt động lâu đời, tỷ lệ khấu hao đầu tư lớn nên giá thành sản phẩm thấp hơn. Chưa kể, các chính sách hỗ trợ DN sản xuất CNHT như giảm thuế, chi phí thuê đất, được nhập khẩu máy móc với thuế suất 0%... đã được Chính phủ ban hành và áp dụng...
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, sở dĩ TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại bởi những lĩnh vực ưu đãi thu hút đầu tư mà Chính phủ vừa đưa ra trùng khớp với mong muốn cũng như thế mạnh của họ.
Đó là 4 ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất hàng điện tử, hóa dược, cơ khí chính xác, chế biến thực phẩm và đồ uống; 5 ngành công nghiệp mới là sinh học, dược phẩm, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn và CNHT cho công nghệ cao; 6 ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng là du lịch, tài chính bảo hiểm và ngân hàng đầu tư, thương mại điện tử, y tế, vận tải và logistics, công nghệ và giáo dục. Chưa hết, thị trường carbon tại Việt Nam được đánh giá là còn manh mún, sơ khai cũng chính là vùng đất màu mỡ để DN đầu tư nước ngoài khai thác.