Ngành công nghiệp nhan sắc: Cuộc đua thử thách, dài hơi
Nhắc đến các lĩnh vực phổ biến của công nghiệp văn hóa - giải trí, chúng ta thường nhắc đến điện ảnh, âm nhạc, lễ hội…; nhưng bên cạnh đó, còn có một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ thời gian qua là các cuộc thi tôn vinh người đẹp, dù vẫn đang nhận nhiều cái nhìn e dè.
Sôi động cuộc thi hoa hậu và nam vương
Trong khi các cuộc thi nhan sắc đang dần trở nên “bớt nhiệt” tại các nước châu Âu, châu Mỹ La tinh thì ở khu vực Đông Nam Á, tình hình đang ngược lại. Số lượng các cuộc thi, số người tham gia, số khán giả quan tâm đều đang tăng vọt. Tại Việt Nam, có thời điểm cùng lúc diễn ra các hoạt động của gần 10 cuộc thi hoa hậu, nam vương.
Giữa tháng 6 vừa qua, Miss Cosmo - Thế vận hội Sắc đẹp quốc tế 2024 mùa đầu tiên đã khởi động. Sau Miss Charm (Hoa hậu Sắc đẹp Quốc tế), đây là cuộc thi nhan sắc quốc tế thứ hai do người Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đại diện hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trước đó, Miss Charm đã công bố mùa thứ hai, dự kiến diễn ra tại Mỹ từ ngày 2-8 đến ngày 24-8. Còn cuộc thi Nam vương Thế giới (Mr World) 2024 do Việt Nam đăng cai tổ chức cũng vừa giới thiệu lịch trình tổ chức tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cùng một số hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh các cuộc thi tầm quốc tế, các cuộc thi trong nước cũng đang diễn ra sôi động. Ngày 11-7, tại TPHCM, Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 đã công bố tốp 36 thí sinh cùng chương trình hoạt động tại TPHCM và TP Phan Thiết. Đây cũng là cuộc thi nhằm chọn ra người sẽ tham dự Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế vào tháng 10 tới tại Mexico.
Song, cuộc thi có nhiều thông tin gây bất ngờ nhất vừa qua phải kể đến Miss Universe Vietnam 2024. Với việc mở rộng độ tuổi dự thi lên đến 33, cuộc thi ghi nhận việc lần đầu tiên một hoa hậu tầm quốc gia tham dự tiếp một cuộc thi hoa hậu khác. Đó là trường hợp Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên ghi danh tham gia sau 10 năm đăng quang.
Nhiều thách thức
Các cuộc thi nhan sắc tăng về số lượng nhưng chưa đi kèm với nâng cao chất lượng; khi vừa qua xuất hiện những điều tiếng về cung cách tổ chức, tiêu chí lựa chọn và nhất là cách ứng xử của các tân hoa hậu, á hậu, nam vương…
Điển hình là các cuộc tranh chấp về tên gọi các cuộc thi hoa hậu. Miss Cosmo do người Việt tổ chức, vừa bị Công ty Miss Cosmos International Inc (thành lập năm 1951 tại Mỹ) đâm đơn kiện với lý do “mượn” 99,99% tên của họ.
Trước đó cũng xảy ra tranh chấp tên “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” giữa Công ty cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (SG Unicorp) và Công ty cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam; cuộc tranh giành tên gọi tiếng Việt “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” giữa Công ty Sen Vàng và Công ty Minh Khang; tranh chấp giữa Công ty TNHH Giải trí Huyền Diệu (Bellalove) và Công ty Q-Talent về cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Thiếu niên…
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như: tên các cuộc thi gần giống nhau gây nhầm lẫn, tình trạng chồng chéo khi cử đại diện thi quốc tế, các cáo buộc “mua - bán” giải…, hay những ồn ào vừa qua liên quan đến việc chọn “ban giám khảo” của Miss Universe Vietnam 2024 càng khiến công chúng mất niềm tin khi nhắc đến các cuộc thi hoa hậu.
Thí sinh tham gia các cuộc thi cũng có không ít vấn đề. Người thì bị mang danh “chuyên thi hoa hậu” khi tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác. Người thì lúc thi công bố những dự án thiện nguyện đầy to tát nhưng sau khi đăng quang hoặc hết thi thì dự án cũng… mất hút.
Một số hoa hậu sau đăng quang thì vấp phải nhiều bê bối liên quan đến học vấn, lối sống thiếu lành mạnh, phát ngôn lệch chuẩn như trường hợp của các Hoa hậu Q.H., Y.N, N.C., K.D…
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức thi hoa hậu, nam vương, một trong những điểm yếu của các người đẹp trong nước là sự thiếu chuyên nghiệp. Kết quả là đa số người đẹp khi tham gia các đấu trường quốc tế đều kém nổi bật, thậm chí mất hút, mờ nhạt. Hoạt động của họ sau ngày đăng quang cũng chỉ giới hạn tham gia sự kiện, dự các show thời trang, khoe váy áo… Chỉ có số ít hoa hậu như Thùy Tiên, Bảo Ngọc là có các hoạt động quốc tế đáng ghi nhận.
Để công nghiệp nhan sắc Việt ngày càng chuyên nghiệp, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đòi hỏi một hành trình dài hơi, nỗ lực trong việc xây dựng các nền tảng cơ bản cho một ngành công nghiệp văn hóa, từ khâu đào tạo con người đến công tác tổ chức chuyên nghiệp. Đó cũng là điều công chúng mong đợi ở cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức, ban giám khảo và từ chính các chàng trai, cô gái “khát khao vương miện”.
Học theo mô hình của “đất nước hoa hậu” Venezuela, nơi công nghệ đào tạo hoa hậu, nam vương đã trở nên chuyên nghiệp, hiện một số đơn vị trong nước đã xây dựng các học viện chuyên đào tạo người đẹp dự thi. Điển hình là Viện Đào tạo Sen Vàng (do Công ty Sen Vàng tổ chức) và Cosmo Academy (do Công ty TNHH Unimedia Vietnam quản lý). Tại đây, các người đẹp sẽ được đào tạo từ cách trình diễn, kiến thức nghệ thuật cơ bản đến cách ứng xử, văn hóa…
“Có nhiều viện đào tạo trong lĩnh vực sắc đẹp là tín hiệu đáng mừng. Rõ ràng ngành công nghiệp sắc đẹp Việt Nam đang phát triển đúng hướng, chuyên nghiệp trong việc tạo thêm nhiều thế hệ đủ kỹ năng, bản lĩnh trước khi bước chân vào các đấu trường nhan sắc trong nước và quốc tế”, ông Trần Việt Bảo Hoàng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Miss Cosmo 2024, chia sẻ.