Ngành công nghiệp ô tô của các nước phải đối mặt với động lực thị trường mới

Chia sẻ với phóng viên CNA, các chuyên gia nhận định các nhà sản xuất ô tô châu Á đang phải đối mặt với 'tình trạng bất ổn lớn', trong đó kịch bản ngắn hạn có thể xảy ra là các công ty sẽ hợp nhất hoạt động kinh doanh và tập trung vào các thị trường ít rủi ro hơn.

 Doanh nghiệp sản xuất ô tô Đông Nam Á tìm cách hạn chế tối đa tác động từ thuế quan của Mỹ. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Doanh nghiệp sản xuất ô tô Đông Nam Á tìm cách hạn chế tối đa tác động từ thuế quan của Mỹ. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Những bất lợi của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu ô tô nội địa trì trệ trên khắp khu vực châu Á đang nói lên một điều rằng bất kỳ ai tham gia vào ngành công nghiệp ô tô ngay lúc này, sẽ khó đạt lợi nhuận.

Các nhà phân tích cho biết, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng mức thuế mới lên ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô có hoạt động kinh doanh quy mô lớn tại thị trường Mỹ có thể sẽ phải tìm cách xây dựng và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác hiện có với Đông Nam Á và củng cố chuỗi cung ứng khu vực để giảm bớt tác động từ thuế quan.

Trong tương lai trung hạn, có thể xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư hơn và những cơ hội mới sẽ tập trung vào Đông Nam Á, khu vực từ lâu được coi là môi trường kinh doanh thân thiện cho các nhà sản xuất ô tô lớn ở cả Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như các công ty vừa và nhỏ ở Hàn Quốc và Đài Loan.

Được biết, sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các loại xe nhập khẩu, phân tích của Reuters về các mã thuế mới cho rằng thuế quan đối với xe cộ và phụ tùng ô tô nhập khẩu sẽ tác động đến hơn 460 tỷ USD trong hoạt động thương mại hàng năm.

Đối với các công ty trong ngành công nghiệp châu Á, tác động này có thể sẽ chứng kiến doanh nghiệp cố gắng giảm thiểu tầm quan trọng của thị trường Mỹ trong kế hoạch tương lai, khi các nhà sản xuất ô tô tập trung nhiều hơn vào hoạt động sản xuất và bán hàng tại các khu vực có thị trường ô tô đang phát triển nhanh chóng khác.

Giáo sư, Tiến sĩ Patarapong Intarakumnerd từ Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Tokyo (Nhật Bản) cho biết: “Sẽ có một số điều chỉnh. Có thể mất thời gian, nhưng cuối cùng, tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với các nhà sản xuất ô tô châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng sẽ giảm dần theo thời gian”.

Nếu những mức thuế này trở thành vấn đề cố định lâu dài trong bối cảnh thương mại toàn cầu, nó sẽ làm giảm hoặc thậm chí xóa bỏ sự liên quan của Mỹ trong chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.

Được biết, Mỹ là thị trường quan trọng đối với việc xuất khẩu các sản phẩm như phụ tùng ô tô và xe chở khách của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu dành cho 2 dòng hàng lần lượt đạt 398,1 triệu USD và 180,4 triệu USD vào năm 2022.

Tương tự, Mỹ cũng là điểm đến hàng đầu của Thái Lan về phụ tùng ô tô, với giao dịch trị giá 1,4 tỷ USD vào năm 2024.

Tuy nhiên, cũng trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Indonesia đều có mối liên hệ thương mại ô tô với Mỹ “mỏng hơn nhiều”, với tổng kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô của hai nước sang Mỹ lần lượt đạt 86,3 triệu USD và 73,8 triệu USD vào năm 2023.

Với những con số này, các chuyên gia nhận định mặc dù không phải tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều phải đối mặt với những tác động kinh tế lớn sau khi áp dụng mức thuế mới, nhưng hiệu ứng lan tỏa có thể khiến ngành công nghiệp ô tô của các nước phải đối mặt với động lực thị trường mới.

Điều này được thể hiện rõ nhất ở Thái Lan, nơi các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc như KIA hay Hyundai đang tham gia vào cuộc chiến giá cả khốc liệt, trong đó giá niêm yết của một số mẫu xe đã giảm gần 25%.

Khả năng cao tác động của rào cản thương mại theo thời gian có thể được giải quyết bằng sự gia tăng thương mại nội khối ASEAN, cùng với việc tăng cường đầu tư trong nhóm ASEAN+6, tức ASEAN và 6 quốc gia đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/nganh-cong-nghiep-o-to-cua-cac-nuoc-phai-doi-mat-voi-dong-luc-thi-truong-moi-152295.html