Ngành công nghiệp phim hoạt hình anime nở rộ
Từ sau đại dịch Covid-19, không phải là Hollywood, mà chính anime mới là cái tên sáng giá được nhắc đến nhiều nhất trong giới đầu tư.
Ngành công nghiệp sản xuất anime đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu giải trí của người dân sau dịch Covid-19 và biết tận dụng lợi thế sẵn có để trở thành một trong những ngành công nghiệp tiềm năng và lợi nhuận nhất kể từ sau đại dịch.
Tiềm năng nhưng không thiếu nền tảng
Anime là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của ngành công nghiệp giải trí và cả một thế hệ từ 8X đến 9X lớn lên cùng những bộ manga, anime nổi tiếng đang tăng sức mua và khả năng chi tiêu. Theo Hiệp hội hoạt hình Nhật Bản, vào năm 2022, quy mô của ngành công nghiệp anime Nhật Bản đã tăng gấp đôi trong một thập niên lên 3.000 tỉ yen (19,5 tỉ đô la).
Anime Nhật Bản thậm chí đã vượt qua Kpop của Hàn Quốc trở thành ngành kinh doanh truyền thông hấp dẫn nhất bên ngoài Mỹ. Theo các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, lý do cho sự dẫn đầu của anime chính là “sức hấp dẫn toàn cầu, chi phí sản xuất tương đối thấp, sự bùng nổ của các nền tảng phát sóng, cộng đồng người hâm mộ đông đảo, và thành tích bền vững đã được chứng minh qua thời gian”.
Từ những bộ truyện tranh đến màn ảnh lớn
Hầu hết các anime nổi tiếng toàn cầu hiện nay đều được chuyển thể từ những bộ truyện tranh (manga) như Attack on Titan, One Piece, Demon Slayer, Fullmetal Alchemist… Chính vì vậy, ngay cả trước khi được chuyển thể thì tác phẩm đã có sẵn lượng người hâm mộ nhất định.
Trong đại dịch Covid-19, thế giới dường như chững lại, mọi người phải dành nhiều thời gian ở nhà do tình hình dịch bệnh nên bắt đầu hình thành thói quen giải trí bằng cách xem phim ảnh trên các nền tảng cung cấp dịch vụ giải trí như Netflix, Disney+, Amazon… Anime với sự đa dạng về thể loại, nội dung đã trở thành thức ăn tinh thần của hàng chục triệu người trên toàn cầu trong thời gian cách ly trong đại dịch. Có thể nói rằng anime đã vô tình được “toàn cầu hóa” thông qua việc phân phối qua các nền tảng cung cấp phim như Netflix.
Giờ đây anime đã chinh phục được trái tim của khán giả trên toàn thế giới. Từ sau dịch Covid-19, không phải là Hollywood, mà chính anime mới là cái tên sáng giá được nhắc đến nhiều nhất trong giới đầu tư. Gần đây nhất, Ngân hàng Mizuho - ngân hàng toàn cầu hàng đầu đến từ Nhật Bản đã mở quỹ đầu tư vào ngành anime. Bằng cách thúc đẩy tài trợ tài chính cho lĩnh vực anime, Ngân hàng Mizuho kỳ vọng sẽ kiếm được tiền từ việc đầu tư sản xuất hoạt hình kinh phí thấp của Nhật Bản vốn đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Theo đó, Mizuho đã mở một quỹ đầu tư cho phim vào cuối năm 2024. Ban đầu, quỹ sẽ có khoảng 1,5-2,5 tỉ yen (9,6-16 triệu đô la) để triển khai tài trợ và có kế hoạch đầu tư khoảng 800 triệu yen cho mỗi bộ phim. Đối với các nhà đầu tư, quỹ này sẽ cung cấp cơ hội để đầu tư tiền của họ vào một lĩnh vực phim đã tạo ra các tác phẩm nổi tiếng toàn cầu như Demon Slayer và các bộ phim của Studio Ghibli như Spirited Away. Điều đó sẽ đánh dấu sự thay đổi so với xu hướng trong những năm gần đây là phim hoạt hình chủ yếu được tài trợ bởi những người tham gia sản xuất.
Không những vậy, ngành công nghiệp sản xuất anime cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của các công ty đầu tư toàn cầu và các công ty, tập đoàn truyền thông giải trí lớn. Việc phân phối rộng rãi anime trên phạm vi toàn cầu đang góp phần vào sự phát triển của thị trường anime Nhật Bản khi các công ty giải trí đa quốc gia đang mua bản quyền và mua lại các công ty phát trực tuyến anime có trụ sở tại Nhật Bản. Ví dụ, vào ngày 9-8-2021, Sony Pictures Entertainment Inc. đã công bố việc mua lại thành công công ty con của AT&T, Crunchyroll LLC, một công ty chuyên phân phối anime, thông qua Funimation Global Group, LLC. Funimation, một liên minh giữa công ty con của Sony Music Entertainment để mở rộng phạm vi phân phối cho các đối tác nội dung và các dịch vụ dành cho người hâm mộ, phục vụ hơn 120 triệu người dùng đã đăng ký tại hơn 200 vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến Walt Disney Co. - gã khổng lồ trong ngành công nghiệp hoạt hình của Mỹ cũng đang đầu tư vào các phim hoạt hình độc quyền của Nhật Bản và mở rộng loạt phim siêu anh hùng Hàn Quốc như một phần trong nỗ lực chiếm lĩnh thị trường phát trực tuyến châu Á của Disney+ tại khu vực này.
Sức lan tỏa đến các sản phẩm nghệ thuật liên quan
Văn hóa Otaku đóng vai trò quan trọng trong thị trường anime Nhật Bản, ảnh hưởng đến xu hướng, hành vi của người tiêu dùng và bối cảnh của ngành giải trí này. Otaku là thuật ngữ dùng để chỉ những người đam mê manga, anime, trò chơi điện tử của văn hóa đại chúng Nhật Bản. Những người hâm mộ nhiệt thành này chính là lý do thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo liên quan đến anime như nhạc phim, phụ kiện anime, games... và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của thị trường.
Theo đó, phân khúc bán hàng chiếm thị phần doanh thu lớn nhất là 44,1% vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục thống trị cho đến năm 2030. Sự tăng trưởng của phân khúc bán hàng có thể là do các yếu tố như lượng người hâm mộ anime ngày càng tăng, nhu cầu về sản phẩm sáng tạo và làm theo nhu cầu cá nhân, và sức chi của người hâm mộ ngày càng tăng. Trong khi đó, phân khúc phân phối Internet dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn dự báo. Sự tăng trưởng này là do sự ra đời của công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ phát trực tuyến. Lượng tiêu thụ các bộ phim và tập phim hoạt hình trên nhiều trang web anime và dịch vụ phát trực tuyến của Nhật Bản, chẳng hạn như Crunchyroll, Netflix, Funimation và Aniplus Asia, đang tăng lên và thậm chí lan rộng sang cả những thị trường lớn khác với cách biệt văn hóa đáng kể như châu Âu và Bắc Mỹ.
Games, anime, manga chiếm tỉ trọng cao trong doanh số ở nước ngoài của ngành giải trí Nhật Bản năm 2022
Không chỉ nhận được sự chào đón của khối doanh nghiệp, anime còn được Chính phủ Nhật Bản thể hiện sự ủng hộ như một phần của văn hóa đại chúng Nhật Bản. Trong đề xuất “Chủ nghĩa tư bản mới” (phiên bản sửa đổi) của Thủ tướng Fumio Kishida được công bố vào năm 2024 đã có tuyên bố rằng “Anime, manga, âm nhạc và các nội dung nghệ thuật khác là những tài sản mà chúng ta nên tự hào”, với doanh số bán ra nước ngoài có quy mô tương đương với xuất khẩu thép và chất bán dẫn.
Nếu như anime hiện nay được xem là “cây hái tiền” thì manga Nhật Bản cũng dần thu hút được rất nhiều ánh mắt từ nhà đầu tư. Điều này có thể nhìn thấy được qua sự kiện Tập đoàn Sony đang chuẩn bị thực hiện một trong những vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành giải trí lâu đời của Nhật Bản. Vào tháng 11-2024, Kadokawa Corp. - một trong những nhà xuất bản lớn nhất Nhật Bản, sở hữu một số lượng khủng các bộ anime và manga, đã tuyên bố rằng họ đã nhận được “thư bày tỏ sự quan tâm” từ Sony. Động thái của Sony chính là muốn thực hiện giao dịch M&A với nhà xuất bản lâu đời này để có được quyền tiếp cận đến bản quyền của hơn 100.000 tiểu thuyết và bộ truyện để có thể tạo ra những bộ anime gây tiếng vang trên thế giới từ những bộ truyện vốn đã thành công trong thị trường manga. Rõ ràng đây là một bước đi chiến lược trọng yếu của Sony và thể hiện được sức hút và tiềm năng của ngành công nghiệp anime trong giai đoạn sắp tới. Chắc chắn rằng thị trường sản xuất và phân phối anime trên thế giới sẽ ngày càng năng động và sôi nổi trong giai đoạn sắp tới.
K.D
(*) IP Paralegal, Hogan Lovells International LLP
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-cong-nghiep-phim-hoat-hinh-anime-no-ro/