Ngành công thương đồng hành cùng Chương trình Xây dựng nông thôn mới
Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Sở Công Thương được giao nhiệm vụ triển khai, hướng dẫn, thẩm định 2/19 tiêu chí và 1 chỉ tiêu (gồm: tiêu chí số 4, tiêu chí số 7 và chỉ tiêu số 13.5 thuộc tiêu chí số 13). Ngoài ra, ngành còn có nhiệm vụ phối hợp với các ngành liên quan thực hiện toàn bộ 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí thuộc Chương trình XDNTM.
Hệ thống điện hạ thế mới được dẫn về thôn Khe Xanh, xã Phượng Nghi, huyện miền núi Như Thanh vào cuối năm 2022.
Thực hiện tiêu chí số 4 về điện, sở đã có nhiều nỗ lực, nhất là đưa điện về vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Hiện nay, hạ tầng về điện nông thôn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 430 xã/465 xã đạt chỉ tiêu 4.1 về “hệ thống điện đạt chuẩn”; 454 xã/465 xã đạt chỉ tiêu 4.2 về “tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn” đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Tính riêng trong 2 năm 2021 - 2022, tổng số vốn đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.982,11 tỷ đồng. Trong đó, vốn của Công ty Điện lực Thanh Hóa 2.712,11 tỷ đồng; vốn đầu tư dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa do Sở Công Thương làm chủ đầu tư cho 23 thôn, bản chưa có điện lưới là 120 tỷ đồng; vốn của các tổ chức quản lý điện nông thôn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.
Hạ tầng thương mại nông thôn chính là nội dung của tiêu chí số 7 trong XDNTM cấp xã. Sự vào cuộc của ngành công thương đã tạo ra nhiều chuyển biến, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế khi có sự tham gia tích cực của thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể) trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh doanh, khai thác hạ tầng thương mại. Trong 2 năm 2021 - 2022, cùng các nguồn hỗ trợ, Sở Công Thương đã hướng dẫn và yêu cầu các địa phương trong tỉnh huy động khoảng 58 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ và một phần mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy cho các đơn vị quản lý chợ, các hộ kinh doanh trong chợ. Đến nay, toàn tỉnh có 424 xã/465 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu UBND tỉnh đã đề ra cho Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; ngành công thương đã xác định mục tiêu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 465/465 xã đạt tiêu chí số 4 về điện; có 443/465 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Hiện sở đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tập trung thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM” giai đoạn 2021-2025; xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác thi đua của các cơ sở, cơ quan, đơn vị trong ngành. Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã và các đơn vị có liên quan thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí do ngành công thương phụ trách. Đồng thời, chỉ đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa và các tổ chức quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn chủ động đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn; xây dựng các trạm biến áp mới; chống quá tải lưới điện, giảm bán kính cấp điện; tập trung thay dây trần bằng dây dẫn bọc tại các tuyến có nguy cơ gây mất an toàn cao, đường dây đi qua khu dân cư, khu vực nhiều cây cối.
Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, công trình liên quan đến các hạ tầng điện, chợ nông thôn cũng đang được sở phối hợp với các địa phương thực hiện; đồng thời tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh.