Ngành công thương Đồng Tháp tập trung thúc đẩy tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Trong năm 2025, ngành công thương Đồng Tháp quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, phát triển trên nền tảng tái cơ cấu công nghiệp, tạo chuyển biến thực chất theo hướng bền vững, chú trọng các vấn đề phát triển vùng và chủ động liên kết vùng, tiểu vùng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) thăm, làm việc tại Công ty TNHH Dầu Gạo Sethia Hemraj (TP Sa Đéc) (Ảnh: NHẬT NAM)

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) thăm, làm việc tại Công ty TNHH Dầu Gạo Sethia Hemraj (TP Sa Đéc) (Ảnh: NHẬT NAM)

Nhìn lại năm 2024, ngành công thương Đồng Tháp triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước, cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có bước phục hồi tích cực. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 12.572 tỷ đồng, tăng 10,08% so với năm 2023, đạt 100,09% kế hoạch năm.

Cùng với đó, tình hình sản xuất một số sản phẩm công nghiệp khởi sắc, trong đó, ngành chế biến thủy sản với sự năng động của doanh nghiệp (DN) trong nắm bắt tín hiệu thị trường, chủ động tìm kiếm đơn hàng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, ước tính sản lượng thủy sản chế biến năm 2024 đạt 496.000 tấn, tăng 10,49% so với năm 2023, đạt 99,2% kế hoạch năm. Chế biến lương thực tiếp nối đà tăng trưởng khá ấn tượng, trong đó, các DN xuất khẩu gạo của tỉnh ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến dây chuyền công nghệ chế biến hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản có dấu hiệu khởi sắc, ước tính sản lượng chế biến năm 2024 đạt 1,815 triệu tấn, tăng 14,37% so với năm 2023, đạt 101,97% kế hoạch năm.

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay. Giá trị tăng thêm ngành thương mại năm 2024 ước đạt 9.413 tỷ đồng, tăng 7,33% so với năm 2023, đạt 97,04% kế hoạch năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 140.800 tỷ đồng, tăng 11,33% so với năm 2023, đạt 96,44% kế hoạch năm.

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Gạo và thủy sản tiếp tục là những ngành chủ lực đóng góp phần lớn kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng ấn tượng; các mặt hàng khác như: giày da, sản phẩm sau gạo cũng có sự phục hồi đáng kể.

Trong năm qua, ngành công thương xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử. Trong đó, phối hợp triển khai thực hiện mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”; hỗ trợ người dân ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế số; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap”.

Về quản lý năng lượng, năm 2024, hoạt động cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được đảm bảo ổn định và liên tục. Công tác vận hành lưới điện đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, nhất là trong các sự kiện, lễ hội. Sản lượng điện thương phẩm năm 2024 ước đạt 3.221 triệu kWh, tăng 8,03% so với năm 2023, đạt 100% kế hoạch năm...

Theo Sở Công thương Đồng Tháp, năm 2025, ngành công thương phấn đấu nâng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp ước đạt 13.765 tỷ đồng, tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2024; giá trị tăng thêm ngành thương mại ước đạt 10.307 tỷ đồng, tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2024; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 87.600 tỷ đồng, tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2024; phấn đấn kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.300 triệu USD, tăng 3,42% so với thực hiện năm 2024...

Để thực hiện hiệu quả, ngành công thương sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, tạo sự bứt phá trong tăng trưởng. Trong đó, nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến từ các nhân tố khởi nghiệp, nhà máy hoạt động chưa hết công suất, nhà máy mới đi vào hoạt động, dự án đầu tư mới; triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Cùng với đó, triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu kết hợp phát triển ngành công nghiệp chủ lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có tính cạnh tranh và hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; vận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chương trình khuyến công Quốc gia, khuyến công địa phương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao; triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình, các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngành cũng triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đưa vào hoạt động; rà soát, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và thành lập mới một số khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư...

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phát biểu: “Thời gian tới, ngành công thương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong gia tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến. Cùng với đó, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị thông qua chính sách khuyến công để nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối với vùng nguyên liệu, thị trường; triển khai thực hiện đề án chế biến sâu các ngành hàng chủ lực của tỉnh nhằm hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có tính cạnh tranh và hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình, các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời tăng cường kết nối, đối thoại với DN để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, xu hướng đầu tư của DN để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất kinh doanh; thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để khai thác hiệu quả thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng...

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/nganh-cong-thuong-dong-thap-tap-trung-thuc-day-tang-truong-moi-tu-kinh-te-so-chuyen-doi-so-chuyen-d-128104.aspx