Ngành Công Thương Hà Nội: Tự hào với những 'Cây sáng kiến' trong lao động, sản xuất

Thời gian qua, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu 'Công nhân giỏi', 'Sáng kiến, sáng tạo' được đông đảo công nhân, viên chức, người lao động ngành Công Thương Hà Nội hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều 'Cây sáng kiến', nhiều gương công nhân giỏi, tâm huyết. Những sáng kiến không chỉ giúp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động, mà còn là minh chứng khẳng định tinh thần hăng say lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của người lao động.

Trong những “Cây sáng kiến” của ngành Công Thương Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thảo, công nhân Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội, có lẽ là người không còn quá xa lạ đối với công nhân lao động trong toàn ngành. Mới đây nhất, với đề tài “Cải tiến nâng cao chất lượng, giảm độ khó thao tác may dựa vào cải tiến cữ”, anh Thảo đã được tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô năm 2023” và vinh dự được trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV, năm 2023.

Đầu năm 2021, trước khi chạy đơn hàng cho dự án mới, nhận thấy việc sử dụng máy may tự động để may các sản phẩm nội thất ô tô sẽ khiến cho chi phí tăng cao, chất lượng không ổn định, anh Thảo đã đề xuất lên lan lãnh đạo Công ty để xin thực hiện đề tài “Cải tiến nâng cao chất lượng, giảm độ khó thao tác may dựa vào cải tiến cữ”. Và điểm nhấn trong cải tiến này chính là việc sử dụng máy may thường để giảm độ khó khi may các chi tiết, trong đó, điều cốt lõi chính là việc điều chỉnh, cải tiến cữ của máy may. Sau khi đề xuất, ý tưởng của anh Thảo nhanh chóng nhận được sự đồng ý của ban lãnh đạo và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều “Cây sáng kiến”, nhiều gương công nhân giỏi, tâm huyết trong công nhân, viên chức, lao động ngành Công Thương Hà Nội.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều “Cây sáng kiến”, nhiều gương công nhân giỏi, tâm huyết trong công nhân, viên chức, lao động ngành Công Thương Hà Nội.

2 tháng miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế hoạt động, đề tài “Cải tiến nâng cao chất lượng, giảm độ khó thao tác may dựa vào cải tiến cữ” của anh Thảo đã nhận được đánh giá rất cao từ Ban lãnh đạo Công ty và các đồng nghiệp. Cải tiến cữ trên máy may thường của anh Thảo nhanh chóng được Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội áp dụng và nhờ đó giúp làm lợi cho Công ty hơn 800 triệu đồng.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài, anh Thảo cho biết, anh gặp rất nhiều khó khăn từ việc đưa ra ý tưởng cho đến việc cải tạo, làm sao có thể tiết kiệm chi phí nhất nhưng chất lượng sản phẩm phải đảm bảo tốt nhất, đặc biệt là luôn giữ được sự ổn định trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, cũng chính trong lúc khó khăn đã giúp anh Thảo có được những suy nghĩ mới để cải tiến công việc của mình và giúp đỡ đồng nghiệp được tốt hơn.

“Rất may mắn là trong quá trình nghiên cứu đề tài, tôi luôn nhận được sự đồng hành, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất từ ban lãnh đạo Công ty. Rất mừng là sáng kiến thành công, được nhân rộng ra toàn xưởng, mang lại giá trị kinh tế cho Công ty và nâng cao năng suất cho người lao động. Đặc biệt, qua đề tài cải tiến của mình, tôi thấy bản thân mình có sự trưởng thành hơn, cũng như giúp tôi vượt qua được giới hạn của bản thân”, anh Thảo bộc bạch.

Với “khối tài sản” lên đến 50 đề tài cải tiến, sáng kiến, sáng tạo trong 14 năm gắn bó với Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thảo cho biết, mỗi sáng kiến đều là những trăn trở, những tâm huyết mà anh dành trái tim và khối óc của mình vào đó...

Còn tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Goshi Thăng Long, là công nhân bộ phận hàn, anh Chu Trọng Hải luôn có tinh thần kỷ luật cao và không ngừng sáng tạo trong lao động. Trong suốt quá trình 17 năm gắn bó, anh Hải luôn nỗ lực cống hiến hết mình với công việc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Một trong những sáng kiến tiêu biểu nhất và tâm đắc nhất của anh Hải chính là sáng kiến “Lập chương trình hàn Robot cho các Model mới”.

Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu đề tài này, anh Hải cho biết: “Mục đích đầu tiên là thỏa sức với những đam mê sáng kiến, sáng tạo; tiếp theo là giảm sức lao động cho những người thợ hàn, tăng năng suất lao động, tăng độ an toàn trong quá trình sản xuất”.

Từ những ý tưởng đó, năm 2018, sau khi Công ty triển khai phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo đến toàn thể công nhân, anh Hải liền đề xuất ý tưởng “Lập chương trình hàn Robot cho các Model mới” và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ ban lãnh đạo Công ty, các đồng nghiệp trong bộ phận.

Theo đó, đề tài sáng kiến của anh tập trung vào việc nghiên cứu để tạo ra điều kiện hàn phù hợp cho các đường hàn có độ dầy vật liệu khác nhau. Cùng với đó, nghiên cứu này cũng giúp các công nhân hàn trong quá trình hàn sẽ dễ dàng chỉnh góc nghiêng cho phù hợp để tạo ra những mối hàn có độ đều, đẹp và đảm bảo nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài “Lập chương trình hàn Robot cho các Model mới”, anh Hải cho biết, khó khăn nhất chính là việc thiết lập điều kiện hàn sao cho các đường hàn có độ dầy vật liệu khác nhau, nhưng phải đảm bảo được độ bền, đẹp và giảm được năng suất lao động. Cùng với đó là việc phải đảm bảo hoàn thành nghiên cứu đúng thời gian, đúng tiến độ…

Cống hiến hết mình cho Công ty, nhiệt huyết, đam mê với các ý tưởng sáng tạo, anh Chu Trọng Hải đã đạt được nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất.

Cống hiến hết mình cho Công ty, nhiệt huyết, đam mê với các ý tưởng sáng tạo, anh Chu Trọng Hải đã đạt được nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất.

17 năm công tác tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Goshi Thăng Long, là tùng ấy thời gian người công nhân giỏi Chu Trọng Hải không ngừng nỗ lực, không ngừng sáng tạo. Bên cạnh đề tài nghiên cứu tâm đắc là “Lập chương trình hàn Robos cho các Model mới”, một đề tài nghiên cứu khác của anh cũng được đánh giá cao đó là sáng kiến “Tự động cấp ống vào máy nén”. Theo anh Hải, điểm đặc biệt của sáng kiến này đó chính là robot làm việc hoàn toàn tự động. Do đó, nó không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, mà còn giải phóng sức lao động cho anh em công nhân.

Không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, học hỏi đồng nghiệp; Chu Trọng Hải còn tích cực tham gia phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công ty và Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội phát động. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, anh Hải luôn tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp...

Cống hiến hết mình cho Công ty, nhiệt huyết, đam mê với các ý tưởng sáng tạo, anh Chu Trọng Hải đã đạt được nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất như: Năm 2019 anh Hải đạt giải Khuyến Khích nghề hàn CO2 tại hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội; năm 2021 đạt danh hiệu “Người có nhiều đề tài sáng kiến, sáng tạo” tại Công ty; được khen thưởng Công nhân tiêu biểu cấp cơ sở; đạt danh hiệu Người đạt tỷ lệ chuyên cần 3 năm liên tiếp từ 2020 - 2022. Đạt giải Nhì Hàn CO2 tại Hội thi thợ giỏi ngành Công Thương Hà Nội năm 2022; Công nhân đạt thành tích liên tiếp 3 năm đạt loại A (loại cao nhất); năm 2023, đạt giải Ba nghề hàn CO2 tại hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội và đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô năm 2023…

“Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong các cuộc thi sáng kiến, sáng tạo hay “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… thì việc vinh dự được bầu chọn là Công nhân giỏi Thủ đô năm 2023, được dự lễ báo công trang trọng với Bác Hồ, là niềm vinh dự và tự hào với bản thân tôi. Niềm tự hào đó sẽ là động lực để tôi tiếp tục vươn lên, tiếp tục lao động sáng tạo để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, anh Hải bày tỏ.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nganh-cong-thuong-ha-noi-tu-hao-voi-nhung-cay-sang-kien-trong-lao-dong-san-xuat-161555.html