Ngành Công Thương năm 2024: Năm của những đột phá

Năm 2024, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp, đến nay, có thể khẳng định, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/12, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết Quý 3 mới được nới lỏng một phần, chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn.

Xu hướng phi toàn cầu hóa trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước thị trường xuất khẩu tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tiếp tục định hình lại dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu; việc triển khai cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu... đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta

Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Năm 2024 đối mặt với diễn biến thiên tai bất lợi, đặc biệt, siêu bão số 3 và cơn bão số 4 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kinh tế cả nước tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao và liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn; doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế… Các cân đối lớn được đảm bảo.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 có thể đạt và vượt 7%, thuộc nhóm ít quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, là kết quả rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số mặt hàng hóa, dịch vụ vào cuối năm…

"Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024." - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo tại Hội nghị

Kết quả nổi bật đạt được trong năm 2024 là, tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất... Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành Đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích tăng trưởng công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 60/63 địa phương), nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực (như Bắc Giang tăng 27,7%; Vĩnh Phúc tăng 11,1%; Hải Phòng tăng 15,3%; Hải Dương 13,9%; Thanh Hóa 19,2%; Quảng Nam tăng 18,6%; HCM tăng 7,1%; Bình Dương tăng 6,8%; Đồng Nai tăng 8%).

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước được bảo vệ trong các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475 nghìn tỷ đồng, với số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 -1.500 tỷ đồng. Các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam được bảo vệ như: ngành sản xuất thép: 14 biện pháp; thực phẩm: 5 biện pháp; hóa chất: 4 biện pháp; vật liệu xây dựng: 2 biện pháp. Công tác cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã đem lại một số kết quả tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về TMĐT được chú trọng nhằm đảm bảo hạ tầng pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễn; tiếp tục xây dựng chính sách phát triển thương mại điện tử quốc gia cho giai đoạn 05 năm tiếp theo (2026 - 2030); Tiếp tục tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới trên cơ sở nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật, thanh tra và xử lý các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới (năm 2024 đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 89.802 doanh nghiệp, tổ chức và 27.878 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 117.075 website thương mại điện tử và 9.256 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký).

Công tác xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới; Công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ (đã trình Chính phủ xem xét, ban hành 02 Nghị định); Công tác hỗ trợ kết nối các tỉnh với các thị trường nước ngoài tiếp tục được tăng cường thông qua các Hội nghị/diễn đàn góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của các địa phương (như Diễn đàn Mekong Connect 2024 tại An Giang; Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024); Công tác làm việc với các đơn vị, tập đoàn bán lẻ ngoài nước được tăng cường để nâng tỷ trọng hàng Việt vào hệ thống phân phối của nước ngoài; đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế (đã phối hợp với nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com triển khai Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên Alibaba.com).

Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt. Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ liên quan đến thủ tục hành chính nội bộ và xây dựng danh mục thủ tục hành chính nội bộ tại Bộ; tích cực trong việc xây dựng các Văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại Nghị quyết 100/NQ-CP; thực thi phương án phân cấp thủ tục hành chính tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg; là đơn vị đi đầu trong việc rà soát, tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tạo thuận lợi cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bộ đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

Công tác quản lý cụm công nghiệp và khuyến công quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương.

Công tác khoa học - công nghệ được chú trọng, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trọng điểm cấp Bộ nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng đã được xây dựng và thực thi hiệu quả. Hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Các mặt công tác khác như quản lý, bảo đảm an toàn môi trường công nghiệp; thanh tra; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính... đều được thực hiện một cách quyết liệt, thực chất và đồng bộ.... Các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động để thống nhất chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả trong toàn ngành.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nganh-cong-thuong-nam-2024--nam-cua-nhung-dot-pha-131474.htm