Ngành công thương phát huy vai trò là lực lượng mạnh đưa dân tộc phát triển hùng cường, thịnh vượng
Với truyền thống lịch sử vẻ vang, Bộ Công thương cần tiếp tục giữ vững vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chủ lực về công nghiệp và thương mại, 'lá cờ đầu' trên mặt trận kinh tế. Ngành công thương cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng mạnh trong hành trình đưa dân tộc phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030 ra mắt Đại hội.
Ngày 16/7, tại Trụ sở Bộ Công thương đã diễn ra Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030. Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc Phiên chính thức Đại hội, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 được tổ chức trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội phát triển mới, song cũng có nhiều khó khăn thách thức đan xen; nhất là diễn ra trong thời điểm Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt những cải cách, quyết sách mang tính lịch sử và nhiều đột phá chiến lược để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Đại hội.
Với chủ đề “Đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột của trong phát triển kinh tế đất nước; vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”, Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2020-2025; rút ra các bài học kinh nghiệm và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo ngành công thương tiếp tục phát triển bền vững trong 5 năm tới; đồng thời, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực to lớn và thành tích đáng khích lệ của Đảng bộ Bộ Công thương trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, với tinh thần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thật sự cầu thị, Đảng bộ Bộ Công thương cũng đã đánh giá thẳng thắn những mặt còn bất cập, hạn chế trong công tác của ngành như: Chưa kịp thời trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên. Trong nhiệm kỳ vừa qua, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một số đảng bộ, chi bộ trực thuộc chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu.
Vẫn còn những điểm nghẽn trong thể chế, quy hoạch, quản trị, chuyển đổi số; còn hạn chế về hiệu quả tổ chức thực thi, về chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ. Xuất khẩu còn phụ thuộc lớn, kéo dài vào khu vực FDI và một số thị trường; tỷ lệ nội địa hóa thấp. Quản lý thị trường vẫn còn kẽ hở khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp…
Tình hình thế giới thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, hàm chứa cả thời cơ, vận hội mới, đi đôi với thách thức, khó khăn. Đất nước ta đang bước vào những tháng cuối cùng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII, tạo đà vững chắc để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIV, bước vào của dân tộc.
Với truyền thống lịch sử vẻ vang 74 năm, Bộ Công thương cần tiếp tục giữ vững vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chủ lực về công nghiệp và thương mại, “lá cờ đầu” trên mặt trận kinh tế, là điểm tựa vững chắc cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp; là người bạn đồng hành tin cậy và truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ doanh nhân. Ngành công thương cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng mạnh trong hành trình đưa dân tộc phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và 6 đột phá nhiệm kỳ tới được nêu trong Báo cáo chính trị của Đại hội, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm cho Đảng bộ Bộ Công thương trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị trong quản lý nhà nước của ngành, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XIV (ngay sau khi được thông qua); phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, đạt và vượt các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, có năng lực cạnh tranh thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì vị thế top 20 về xuất khẩu và top 30 về thị trường bán lẻ toàn cầu, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, năng lượng; phát triển hạ tầng năng lượng, thương mại, logistics hiện đại, tiệm cận nhóm đầu ASEAN.
Đồng thời, tập trung triển khai tốt 4 quy hoạch trọng điểm quốc gia của ngành trong giai đoạn tới.
Hai là, định hình một tầm nhìn mới trong thời đại mới, quyết tâm đổi mới tư duy, xác lập bản sắc kinh tế mới dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Công thương cần giữ vai trò tiên phong trong chủ động khai thác các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp nền tảng. Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ mới. Phát triển các ngành công nghiệp chiến lược phục vụ xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu như ô-tô điện, chip bán dẫn, thiết bị năng lượng tái tạo, dệt may bền vững,…
Ba là, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững thị trường năng lượng. Thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm cân bằng giữa an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải. Cơ cấu lại thị trường điện cạnh tranh minh bạch, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Bốn là, phát triển thương mại hiện đại, bền vững, gắn với xuất khẩu giá trị cao, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách của các nước lớn về thuế quan. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, giảm dần phụ thuộc vào nguyên liệu thô và gia công.
Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, và thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á, Trung Đông Âu, thị trường Halal. Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ sinh thái logistics và thương mại số, phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực.

Các đại biểu tham dự Đại hội.
Năm là, bảo vệ thị trường trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trước các hành vi, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Nâng cao năng lực điều tiết thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Sáu là, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện tốt các cam kết, thỏa thuận thương mại quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Chủ động tham gia xây dựng "luật chơi" thương mại mới, bảo vệ lợi ích quốc gia trong đàm phán thương mại song phương, đa phương. Tăng cường phối hợp các bộ ngành trong thực thi cam kết FTA. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội, vượt rào cản kỹ thuật và phi thuế quan khi xuất khẩu.
Bảy là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế ngành công thương. Rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật ngành công thương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại số. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý ngành. Phối hợp các trường đại học, doanh nghiệp để đào tạo nhân lực có kỹ năng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp 4.0 và logistics thông minh.
Tám là, về công tác xây dựng Đảng, thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo "xây dựng Đảng là then chốt", trong đó: Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”.
Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng gắn với việc đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, quán triệt sâu sắc tinh thần phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức hoạt động và 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt chú trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Phó Thủ tướng mong rằng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người đảng viên, các đại biểu sẽ thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ vào các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, và các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025- 2030.
Đại hội cũng công bố các quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về nhân sự Đại hội. Theo đó, tại Quyết định số 199-QĐ/ĐU, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 29 đồng chí; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 7 đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Công thương được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Công thương giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Phan Văn Bản, Phó Bí thư chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2020-2025 giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030.