Ngành công thương tập trung làm tốt nhiệm vụ chống lãng phí, tạo nguồn lực cho phát triển

Ngành công thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu ngành công thương làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước.

Toàn cảnh Diễn đàn "Bộ Công thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển".

Toàn cảnh Diễn đàn "Bộ Công thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển".

Sáng 23/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn "Bộ Công thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển".

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên, và nhân dân phải ra sức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người coi lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng.

Thực hiện tư tưởng của Người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện, cụ thể hóa những quan điểm này bằng các pháp lệnh, luật thực hiện chống lãng phí.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, lãng phí còn diễn ra phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Trong đó, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngành công thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế, do đó nếu làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước.

Hằng năm, Bộ Công thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Đặc biệt, trong năm 2024, Bộ đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu, song Bộ Công thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ mong muốn tại Diễn đàn này, đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phân tích, làm rõ thực trạng, thảo luận những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm về lý luận cũng như thực tiễn; đề xuất các giải pháp thiết thực đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của ngành công thương trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Tiết kiệm, chống lãng phí là nguyên tắc căn bản trong quản lý, gia tăng nguồn lực để phát triển của nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia đều thực hành việc chống lãng phí dựa trên một số yếu tố mang tính căn bản. Đó là một hành lang pháp lý chặt chẽ kết hợp với công nghệ hiện đại trong quản trị nguồn lực, từ giáo dục và nâng cao ý thức người dân cùng với quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ.

Các quốc gia phát triển cũng đã chứng minh rằng phòng chống lãng phí không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Chống lãng phí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong văn hóa, quan niệm và nhận thức.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chống lãng phí” với thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, kêu gọi đảng viên, cán bộ, nhân dân xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “thời điểm định hình tương lai của chúng ta”, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Đây là thông điệp mạnh mẽ, thẳng thắn, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc từ người đứng đầu của Đảng về nguy cơ tác động nghiêm trọng của việc lãng phí, gây suy giảm các nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong chặng đường vận mệnh của đất nước, dân tộc.

Cùng với việc đề ra bốn giải pháp trọng tâm, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã thúc giục mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng của toàn xã hội, nhanh chóng thực hiện có hiệu quả những giải pháp để đạt được những thay đổi bền vững, xử lý từ gốc rễ vấn đề lãng phí.

Thái Linh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nganh-cong-thuong-tap-trung-lam-tot-nhiem-vu-chong-lang-phi-tao-nguon-luc-cho-phat-trien-post852040.html