Ngành Công Thương vươn mình trong kỷ nguyên số

Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang làm thay đổi sâu sắc cách thức sản xuất, quản lý và vận hành trong ngành Công Thương.

Chuyển đổi số trên nền đổi mới sáng tạo

Người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết rất sâu sắc về chuyển đổi số: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Qua bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại: “phương thức sản xuất số”. Trong đó, đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong thời đại ngày nay, tự động hóa và AI đang dần thay thế các công việc truyền thống, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng và kỹ năng cho người lao động để thích ứng với môi trường làm việc mới. Như vậy, có thể thấy 2 vế của vấn đề chuyển đổi số, một là nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học hiện đại vào sản xuất; hai là nhân lực cũng cần nâng cấp để làm chủ công nghệ.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm tại Nhà máy Dệt may TNG (Thái Nguyên). Ảnh: Huyền My

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm tại Nhà máy Dệt may TNG (Thái Nguyên). Ảnh: Huyền My

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, ngành Công Thương quản lý hai mảng rất quan trọng là sản xuất công nghiệp và thương mại, trong đó sản xuất đang là “đối tượng đích” trong chuyển đổi số. Dưới sự “thúc ép” của xu hướng, doanh nghiệp công nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ tiên tiến, AI vào sản xuất.

Dệt may là một ví dụ, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - từng chia sẻ, thành công nổi bật của ngành trong thời gian gần đây là ứng dụng công nghệ hiện đại như robot và AI, công nghệ 3D vào quy trình sản xuất. Robot hóa hiện đang được áp dụng trong nhiều công đoạn của chuỗi sản xuất.

“Việc sử dụng robot không chỉ giảm lao động thủ công mà còn tăng cường tính ổn định và hiệu quả của quá trình sản xuất”, ông Giang nhấn mạnh. Đặc biệt, AI ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các mẫu sản phẩm mới, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sáng tạo và sản xuất các mẫu.

Không chỉ dệt may, nhiều ngành sản xuất đang “thay da đổi thịt” khi ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Có được kết quả này, bên cạnh nỗ lực tự thân của ngành hàng, doanh nghiệp không thể không kể tới những chính sách có tính khuyến khích cao được Bộ Công Thương ban hành kịp thời.

Con người là động lực, là trung tâm

Mừng vì ngành sản xuất đã và đang “hòa nhịp” chuyển đổi số, tuy nhiên, PGS. TS Ngô Trí Long phân tích, ngành Công Thương đang đối mặt với một bài toán lớn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại số. “Không chỉ là câu chuyện của công nghệ, chuyển đổi số còn là cuộc cải tổ về tư duy, kỹ năng và cách thức vận hành toàn ngành, trong đó con người giữ vai trò then chốt”, vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

 Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành Công Thương. Ảnh: Quỳnh Nga

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành Công Thương. Ảnh: Quỳnh Nga

Luôn xác định nhân lực là nền tảng để ngành chuyển đổi số thành công, trong các chính sách, Bộ Công Thương đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về phát triển nhân lực: Đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức ngành Công Thương; nâng cao năng lực công nghệ thông tin trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc; thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm gắn đào tạo với thực tiễn.

Theo lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), các đơn vị thuộc Bộ đang tích cực hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để xây dựng mô hình đào tạo linh hoạt, cập nhật xu hướng mới nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghiệp bán dẫn, logistics và chuỗi cung ứng số.

Trong Quyết định số 116/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ban hành đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã nêu rõ những nhiệm vụ phát triển nhân lực. Trong đó, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị: Tập trung triển khai đề án của Bộ Công Thương về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn tới để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo việc triển khai các chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt, tập trung vào nhân lực công nghiệp bán dẫn, nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược.

Hay Bộ Công Thương đã có những hành động cụ thể và mạnh mẽ nhằm phát triển nguồn nhân lực cho những ngành rất mới, rất quan trọng với nền kinh tế như: Điện hạt nhân, công nghiệp bán dẫn...

Có thể thấy, với rất nhiều nỗ lực, ngành Công Thương đang từng bước xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy nhanh tốc độ số hóa. Kết quả đạt được hôm nay sẽ là nền tảng cho ngày mai giúp ngành chuyển đổi số thành công, tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế và cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tự lực, tự cường.

Bộ Công Thương đã ban hành và thực thi nhiều quyết định, kế hoạch, chương trình nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường số hóa.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-vuon-minh-trong-ky-nguyen-so-387379.html