Ngành cưới trở lại nhưng quá đắt đỏ
Chuỗi cung ứng hạn chế, tình trạng thiếu nhân sự và lạm phát đã cản trở các cặp vợ chồng Mỹ tổ chức đám cưới hoành tráng sau 2 năm đại dịch.
Tyler Laferriere và Travis Holloway tổ chức hôn lễ vào tháng trước tại một khu resort có tầm nhìn bao quát dãy Santa Rosa (bang California, Mỹ). Thực đơn phục vụ bao gồm margarita, bò bít tết, cá vược và cá bơn.
Đám cưới này đã vượt quá ngân sách của hai vợ chồng, theo The Washington Post.
Vào thời điểm tổ chức hôn lễ, họ phải chi thêm 15.000 USD so với 35.000 USD ban đầu.
“Chúng tôi liên tục nhận thấy các khoản chi tiếp tục tăng và vượt quá ngân sách, từ tiền đồ ăn, đặt phòng và phí di chuyển. Mọi thứ đều đội giá trong khi chúng tôi không có khả năng mặc cả”, Laferriere (29 tuổi), làm việc cho một công ty quản lý tài sản ở thành phố Los Angeles, nói.
Sau 2 năm đại dịch, ngành cưới đang bùng nổ trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu tổ chức tiệc ăn mừng đang bị gián đoạn bởi chuỗi cung ứng hạn chế, tình trạng thiếu lao động và lạm phát, khiến các cô dâu, chú rể trên khắp nước Mỹ phải chi nhiều tiền hơn cho đám cưới.
Không kịp đáp ứng nhu cầu bùng nổ
Các nhà cung cấp dịch vụ nhận thấy lượng lớn yêu cầu tổ chức hôn lễ vào mùa xuân và hè. Còn các cặp vợ chồng, vài trong số đó đã đính hôn được 3 năm, vội vã chốt lịch trước khi một làn sóng dịch bệnh khác gây cản trở kế hoạch của họ.
Người Mỹ dự kiến sẽ tổ chức 2,5 triệu đám cưới trong năm nay, tăng khoảng 30% so với năm ngoái và nhiều nhất trong gần 4 thập kỷ trở lại đây, theo tập đoàn thương mại quốc gia Wedding Report.
“Mọi người lại muốn có một đám cưới lớn và hoành tráng, nhưng thị trường chưa sẵn sàng cho điều đó”, Cele Otnes, giáo sư danh dự về ngành marketing tại Đại học Illinois Urbana-Champaign và là chuyên gia tổ chức đám cưới xa hoa, chia sẻ.
Mỗi tuần, hàng chục cô dâu, chú rể liên hệ và mong Susan Coredogan trở thành nhà lập kế hoạch tổ chức đám cưới (wedding planner) của mình.
Tuy nhiên, giữa lúc ngành dịch vụ cưới đang tất bật, nhà cung cấp pháo giấy của cô nghỉ kinh doanh. Các sảnh tiệc cưới cũng đóng cửa. Giấy, mực, hoa tươi và rượu Napa Valley khó tìm mua hơn bao giờ hết.
“Tất cả đều khó tìm mua, cháy hàng, chậm trễ giao nhận và đắt đỏ hơn”, Coredogan, sở hữu hãng tổ chức đám cưới Big City Bride ở Chicago (bang Illinois), nhận định.
Để theo kịp nhu cầu khách hàng, các ca sĩ đám cưới đang tham gia 3 hôn lễ/ngày. Các hội trường tiệc cưới nhận đặt chỗ mỗi ngày trong tuần, kể cả thứ hai. Các luật sư cũng làm việc ngoài giờ để soạn các thỏa thuận tiền hôn nhân.
“Tôi nhận được những cuộc gọi từ khách hàng, hỏi rằng ‘Tôi sẽ cưới trong 2 tuần nữa nên chúng ta có thể hoàn thành công việc giấy tờ này trong bao lâu?’”, Carolyn Goodman, luật sư ở Washington, D.C., chia sẻ.
Chi phí tăng gấp bội
Nhu cầu bị dồn nén, kết hợp với nguồn cung quá ít, dẫn đến mức giá cao lên. Chi tiêu trung bình cho mỗi đám cưới tăng 25% so với năm ngoái, lên hơn 27.000 USD, theo Wedding Report.
Nhiều wedding planner dự đoán chi phí sẽ còn cao hơn nữa trong năm nay khi các công ty tăng giá và phụ phí nhiên liệu.
Coregodan đang khuyên các cặp vợ chồng nên tăng ngân sách nhiều hơn 30% so với mức thông thường.
Cô cũng khuyến khích họ lựa chọn các sản phẩm địa phương có giá cả phải chăng hơn, chẳng hạn hoa dại ở bang Indiana thay vì hoa lan nhập khẩu từ Ecuador, rượu vang từ bang Michigan thay vì vang California, thịt bò thay vì hải sản nhập khẩu.
“Ngoài ra, hầu hết nhân sự trong ngành chúng tôi đều mất việc và hiện chưa trở lại hoàn toàn”, cô chia sẻ.
“Những thứ chúng tôi thường có ngay trong tầm tay, chỉ mất khoảng một ngày hoặc tuần để nhận, nay kéo dài tới cả tháng. Hàng hóa không có sẵn và thực sự mất nhiều thời gian để vận chuyển”, Coregodan nói thêm.
Chẳng hạn, ước tính khoảng 80% váy cưới ở Mỹ đến từ nhà may đặt tại Trung Quốc, nơi đang bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, khiến nhiều thành phố phải phong tỏa.
Do đó, ngày càng nhiều cô dâu lựa chọn mặc lại váy cưới được người thân truyền lại, theo Maria Luz, chủ sở hữu cửa hàng Anytime Alterations ở Kensington (bang Maryland).
Cô phải tăng gấp đôi số nhân viên của mình lên 4 vào tháng trước và đang làm việc ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu của các cô dâu.
“Các cô dâu đang dùng lại váy của mẹ hoặc bà. Chúng tôi có nhiệm vụ khôi phục, chỉnh kích cỡ cũng như thiết kế lại sao cho phù hợp thị hiếu ngày nay”, cô chia sẻ.
Theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ước tính khoảng 800.000 doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa vĩnh viễn trong năm đầu tiên của đại dịch, nhiều hơn khoảng 30% so với mức thông thường.
Thay đổi để đối phó
Tại Winthrop (bang Maine, Mỹ), Gene Carbona, chủ sở hữu địa điểm tổ chức hôn lễ, cho biết ngành công nghiệp này đang thiếu nhân sự đến mức các y tá và nhân viên bán lẻ địa phương đã bắt đầu chuyển sang làm DJ và nhiếp ảnh gia đám cưới.
Anh và vợ cũng bắt đầu phục vụ các bữa tối tập dượt trước hôn lễ bởi quá khan hiếm nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, Carbona cũng phải tăng giá gấp đôi tới gấp 4 lần để bắt kịp tình trạng lạm phát.
Đối với các cặp vợ chồng, đặc biệt những đôi từng phải lên lịch nhiều lần, sự khủng hoảng trong ngành cưới gần đây đang gây thêm phức tạp cho kế hoạch của họ.
Eric Malcolm và Hillary Steiger đính hôn vào đầu năm 2019, nghĩ rằng họ sẽ kết hôn vào năm sau. Nhưng đại dịch đã làm đảo lộn kế hoạch của họ. Cặp vợ chồng phải dời lịch đám cưới bên hồ gần Cleveland nhiều lần.
Hầu hết kế hoạch vẫn diễn ra như dự kiến, với 100 khách mời, món bít tết sườn và quầy bar mở.
Tuy nhiên, váy của Steiger phải thay đổi nhiều lần, cũng như cặp vợ chồng phải sáng tạo để đối phó với lạm phát. Chẳng hạn, khi nhiếp ảnh gia đám cưới của họ tăng giá 1.000 USD, Malcolm đã nhờ bạn gái cũ chụp ảnh giùm.
Họ sẽ kết hôn vào ngày 4/6 tới, chỉ vài tuần sau khi Steiger sinh đứa con đầu lòng.
“Chúng tôi đã đính hôn được 3 năm nhưng cuộc sống vẫn chưa dừng lại ở đó. Đã đến lúc chúng tôi kết hôn rồi”, Malcolm (39 tuổi), làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ công nghệ, cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-cuoi-tro-lai-nhung-qua-dat-do-post1308864.html