Ngành Da giày chuyển đổi số để vươn mình phát triển

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực mà còn là thách thức, là cơ hội để phát triển. Đối với ngành Da giày, chuyển đổi số đã và đang giúp các doanh nghiệp tự thay đổi mình, cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Đối với ngành Da giày, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong chuỗi cung ứng thế giới. (Ảnh minh họa)

Đối với ngành Da giày, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong chuỗi cung ứng thế giới. (Ảnh minh họa)

4 xu hướng chuyển đổi số ngành Da giày

Với ngành Da giày, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong chuỗi cung ứng thế giới. Đặc biệt, đây là một ngành công nghiệp với sản phẩm đặc thù mang tính thời trang, xu hướng và thay đổi liên tục. Vì thế, xây dựng một lộ trình chuyển đổi số phù hợp, ứng dụng các công nghệ mới như in 3D, sử dụng robot trong sản xuất hay kết hợp các công nghệ mới thực tế ảo sẽ giúp ngành da giày cải thiện năng suất, đáp ứng nhu cầu thời trang của người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm mua hàng. Quan trọng hơn, ngành da giày phải chuyển mình, ứng dụng CNTT để có thể tăng trưởng bền vững.

Hiện nay, nhiều sản phẩm, giải pháp “Make in Viet Nam” ứng dụng các công nghệ mới như AI, BigData, IoT ra đời với chức năng đa dạng có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm giải pháp nước ngoài về mặt chi phí, nguồn lực triển khai nội địa và tính phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế cho thấy, một bộ phận doanh nghiệp da giày Việt vẫn chưa bắt kịp xu thế chuyển đổi số để đẩy mạnh phát triển. Vì vậy thực sự cần thực sự cần chuyển đổi sâu rộng và toàn diện về mặt tư duy và chiến lược, mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số và tự động hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực sản xuất và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp da giày trong nước.

Theo các chuyên gia, hiện có 4 xu hướng chuyển đổi số chính có khả năng tác động sâu rộng và tạo ra những thay đổi về phương thức hoạt động và định hướng của ngành công nghiệp da giày: Ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu để giảm thời gian thiết kế và tăng độ chính xác; Sự gia tăng nhanh chóng trong việc tự động hóa các hoạt động sản xuất; Đa dạng kênh bán hàng và phương thức tiếp thị; Phát triển một hệ sinh thái sản xuất xanh và bền vững.

Ngành Da giày cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để vươn mình phát triển. (Ảnh minh họa)

Ngành Da giày cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để vươn mình phát triển. (Ảnh minh họa)

Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu để giảm thời gian thiết kế và tăng độ chính xác được xem là quan trọng nhất bởi ứng dụng công nghệ tự động hóa cho phép các doanh nghiệp sản xuất nhanh hơn, tập trung vào nhu cầu chính xác hơn và tối ưu chi phí hơn. Nhờ vào công nghệ, tốc độ sản xuất có thể được nâng cao và các doanh nghiệp có thể chủ động trong khâu lập kế hoạch trung và dài hạn cho các sản phẩm trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, xu hướng số hóa hoạt động sản xuất cung cấp góc nhìn toàn cảnh và mang lại khả năng kiểm soát hoạt động hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

Cụ thể, sử dụng robot thực hiện một số khâu như quét keo, may chi tiết đồng bộ, cắt nguyên liệu… tiến tới tự động hóa nhà máy sản xuất; Số hóa các công đoạn trên dây chuyền sản xuất nhằm cung cấp các thông tin trực quan về sản xuất theo thời gian thực, làm căn cứ ra quyết định điều hành sản xuất; Công nghệ nano giúp các sản phẩm da giày có thể tích hợp các chức năng theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng…), hướng tới việc đưa ra các cảnh báo về sức khỏe cho người sử dụng. Đây cũng là một xu hướng được quan tâm trong tương lai.

“Vặn mình” để thích ứng

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, trong nửa đầu năm 2024, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành Da giày Việt Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, túi xách khác.

Ngành Da giày Việt Nam có cơ sở để cải thiện kim ngạch lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, trong năm 2024 bên cạnh thị trường có các FTA, ngành Da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, cùng đó chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU bởi sức mua và dung lượng thị trường lớn.

Tận dụng công nghệ để phát triển ngành Da giày trong bối cảnh mới. (Ảnh minh họa)

Tận dụng công nghệ để phát triển ngành Da giày trong bối cảnh mới. (Ảnh minh họa)

Để đạt được những kết quả như kỳ vọng, các doanh nghiệp da giày còn phải áp dụng quy định, tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó là doanh nghiệp cần ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật thông tin, ra quyết định kịp thời. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng bộ phận tuân thủ. Bộ phận này cập nhật thông tin về các yêu cầu của khách hàng để chuyển về hệ thống sản xuất một cách chính xác.

Ông Maxime Rogeon, Trưởng Bộ phận Da giày của Công ty Decathlon Việt Nam cho rằng, ngành Da giày Việt Nam cần phải có cuộc Cách mạng lần thứ tư thật sự; cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Việt Nam cũng cần cơ cấu lại ngành sản xuất giày dép. Hiện có nhiều quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh bền vững giúp tiết kiệm nhiều hơn mà Việt Nam có thể áp dụng và cũng cần sáng tạo các mô hình kinh doanh mới.

Lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng khuyến nghị, doanh nghiệp da giày Việt Nam đang dần tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao. Các doanh nghiệp cũng phải cải tiến, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực, cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-da-giay-chuyen-doi-so-de-vuon-minh-phat-trien-379118.html