Ngành dệt may Ấn Độ đối mặt khủng hoảng

Ngành dệt may trị giá 200 tỉ đô la Mỹ của Ấn Độ đang đối diện với khủng hoảng khi người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn khác giảm chi tiêu cho quần áo trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Công nhân may quần jean trong một cơ sở sản xuất hàng may mặc ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Công nhân may quần jean trong một cơ sở sản xuất hàng may mặc ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trong khi nền kinh tế của đất nước đông dân thứ hai thế giới nhìn chung tương đối mạnh và đang tăng trưởng vượt trội so với các nền kinh tế lớn, khó khăn của ngành dệt may là một ngoại lệ đáng chú ý. Số đơn hàng suy giảm cho thấy triển vọng ngành dệt may Ấn Độ sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm 2023, làm tăng nguy cơ sa thải nhân công trong một ngành sử dụng hơn 45 triệu lao động.

Xuất khẩu, đóng góp 22% doanh thu của ngành dệt may Ấn Độ, đã giảm trong 5 tháng liên tiếp và trong tháng 11 đã giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,1 tỉ đô la Mỹ. Các nhà sản xuất cho biết doanh số bán hàng trong nước đang chậm lại do chi phí cao và hàng may mặc nhập khẩu có giá rẻ.

Sau khi chứng kiến doanh số bán hàng tăng mạnh hồi đầu năm nay, các doanh nghiệp máy dệt may Ấn Độ hiện cắt giảm sản xuất, khiến sản lượng giảm 4,3% trong quí 3. Tình hình này đã gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách.

Cú sốc ập đến với ngành dệt may khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi nỗ lực tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên tham gia thị trường lao động mỗi năm.

Sau 18 tháng tăng trưởng mạnh mẽ cho đến giữa năm 2022, doanh số bán lẻ quần áo toàn cầu đã giảm xuống do lạm phát cao và tâm lý tiêu dùng suy sụp, đồng thời triển vọng cho năm 2023 có vẻ vẫn u ám, theo báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey công bố hồi tháng trước.

Tại Ấn Độ, lĩnh vực sản xuất, đóng góp 16% GDP, đã chịu sức ép lớn do chi phí nguyên vật liệu tăng và nhu cầu yếu dù tăng trưởng ở những lĩnh vực khác vẫn tốt. Sản xuất không có dấu hiệu tăng trưởng trong nửa đầu năm tài chính hiện tại (từ tháng 4-2022 đến tháng 3-2023), trong khi nền kinh tế nói chung tăng trưởng 6,3% nhờ lĩnh vực khác và dịch vụ.

Các nhà sản xuất dệt may, cùng với các nhà sản xuất giày dép, đồ nội thất, điện tử và điện tử, đã bị ảnh hưởng khi họ chật vật chuyển chi phí tăng thêm vào giá bán giữa lúc người tiêu dùng giảm chi tiêu cho những sản phẩm này để ưu tiên cho chi phí thực phẩm và nhiên liệu.

Các doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may cho biết lợi nhuận của họ bị bào mòn do giá bông vải (cotton) và các chi phí tăng cao hơn, trong khi các đơn hàng của nước ngoài đặt cho mùa hè tới giảm khoảng 1/3 và nhu cầu trong nước vẫn yếu.

Naren Goenka, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hàng may mặc Ấn Độ, nói: “Chúng tôi thấy tình hình khó khăn sẽ kéo dài thêm ít nhất 6 tháng nữa khi các đơn đặt hàng từ các thị trường lớn bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ giảm đáng kể”.

Sahid Khan, chủ một công ty hàng may mặc ở Ahmedabad, trung tâm dệt may ở bang Gujarat, cho biết dù giá bông giảm khoảng 40% so với các mức cao kỷ lục trong năm 2022, biên lợi nhuận công ty ông vẫn giảm do doanh số bán hàng trong nước giảm.

“Lãi suất cho vay của ngân hàng tăng lên cùng lúc với chi phí lao động, nhưng doanh số bán hàng của tôi lại giảm”, Khan nói và cho biết giá bông trong nước vẫn cao so với giá toàn cầu, do vậy các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Bangladesh.

Theo Atul Ganatra, Chủ tịch Hiệp hội bông Ấn Độ (CAI), giá bông trong nước đắt hơn ít nhất 10% so với giá chuẩn toàn cầu. Ganatra nói: “Chính phủ cần bỏ thuế nhập khẩu 11% đối với bông để các nhà máy dệt địa phương có một sân chơi bình đẳng”.

Xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ đã suy giảm 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 7-2022. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ đã suy giảm 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 7-2022. Ảnh: Reuters

Cổ phiếu của các công ty dệt hàng đầu của Ấn Độ như Arvind, Vardhman Textiles, Trident và Nahar Spinning Mills giảm từ 20-40% trong năm nay. Ngành công nghiệp dệt đang vận động chính phủ miễn thuế nhập khẩu bông, trợ cấp lãi suất cho các khoản vay ngân hàng và đưa ra các ưu đãi khác để hỗ trợ mở rộng sản xuất giúp ngành chống chọi khủng hoảng.

Một quan chức chính phủ cho biết chính phủ sẽ sớm xem xét các yêu cầu và sẽ đưa ra phản hồi trong dự thảo ngân sách hàng năm công bố vào tháng 2-2023.

Nhiều nhà sản xuất hàng dệt may đã ngừng tuyển dụng công nhân đồng thời cảnh báo sẽ cắt giảm việc làm nếu chính phủ không sớm đưa ra các biện pháp cứu trợ. Tại Tirupur, một trung tâm sản xuất hàng dệt kim ở miền nam Ấn Độ sử dụng hơn 600.000 công nhân, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã cắt giảm lao động do chỉ đang hoạt động dưới 50% công suất.

Theo Raja Shanmugham, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Tirupur, với sản lượng hàng năm trị giá hơn 8 tỉ đô la Mỹ cho thị trường trong nước và nước ngoài, ngành công nghiệp dệt địa phương lo sẽ bị giảm 1/3 xuất khẩu trong năm nay từ 4,5 tỉ đô la Mỹ của năm tài chính 2021-2022.

“Có rất ít đơn đặt hàng cho mùa hè tới”, Shanmugham nói, đồng thời cho biết thêm các nhà bán lẻ lớn đang yêu cầu giảm giá mạnh cho các đơn hàng đã đặt trước đó. Ông cho biết doanh số bán hàng tại thị trường nội địa thường tăng trong mùa lễ hội và mùa cưới bắt đầu từ tháng 10 nhưng tình hình kinh doanh của năm nay rất ảm đạm.

Chandira Kumar, người đứng đầu Công ty may mặc Sentinel Clothing ở Tirupur, cho biết ông đã sa thải 2/3 số công nhân của mình, xuống chỉ còn 150 người, vì ông cảm thấy khó duy trì hoạt động với biên lợi nhuận thấp và đơn hàng giảm. “Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, tôi có thể sớm phải đóng cửa nhà máy”, ông nói.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-det-may-an-do-doi-mat-khung-hoang/