Ngành dệt may Bangladesh gặp khó, dự báo Việt Nam và Ấn Độ hưởng lợi

Trong bối cảnh ngành dệt may Bangladesh gặp khó do tình trạng bất ổn ở nước này vẫn tiếp diễn, dự báo ngành dệt may Việt Nam và Ấn Độ sẽ được hưởng lợi nhờ dịch chuyển dòng đơn hàng.

Bangladesh, nơi đang chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị, vốn nổi tiếng với ngành dệt may phát triển, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế từ hoạt động xuất khẩu quần áo. Tình trạng bất ổn đang diễn ra dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp quan trọng này của Bangladesh.

Ngành dệt may Bangladesh thiệt hại 150 triệu USD mỗi ngày

Cổng thông tin chuyên ngành dệt may, da giày Sourcing Journal ngày 23/7 cho biết, dệt may - ngành công nghiệp trụ cột chiếm gần 85% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh đang chịu thiệt hại 150 triệu USD mỗi ngày khi các cuộc biểu tình của sinh viên gây chết người dẫn đến lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, mất sóng viễn thông và đóng cửa vô thời hạn các trường đại học từ những ngày trung tuần tháng 7/2024. Quốc gia Nam Á này đã không có dịch vụ di động hoặc Internet từ ngày 18/7/2024 do tình trạng bạo lực gia tăng trên khắp cả nước. Tất cả các nhà máy đóng cửa kể từ ngày 18/7/2024 như một biện pháp phòng ngừa an toàn.

Theo các thông tin mới nhất từ truyền thông Bangladesh, sau những ngày diễn biến ôn hòa hơn thì từ ngày 4/8 các cuộc biểu tình, bạo loạn gây chết người đã bùng phát trở lại, lan rộng từ giới sinh viên ra các tầng lớp khác trong xã hội nước này. Ngày 5/8 bà Sheikh Hasina đã từ chức Thủ tướng Bangladesh và rời khỏi đất nước trong bối cảnh các cuộc biểu tình căng thẳng vẫn đang tiếp diễn trên khắp đất nước.

SM Mannan Kochi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh chia sẻ với Sourcing Journal: “Vấn đề lớn nhất là người mua quốc tế của chúng tôi đang mất niềm tin - một tổn thất không thể đo lường được bằng tiền vì nó sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến ngành công nghiệp có giá trị nhất của đất nước".

Munir Mashooqullah, người sáng lập của Chuỗi cung ứng hàng may mặc M5 Groupe chia sẻ: Việc đóng cửa ngành dệt may của Bangladesh chắc chắn sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, trong khi tình hình vốn dĩ đã căng thẳng do xung đột ở Biển Đỏ. Việc bị cắt đứt liên lạc, đóng cửa các nhà máy do lệnh giới nghiêm sẽ làm tình hình trầm trọng hơn cho ngành dệt may của Bangladesh.

Tình hình hiện tại sẽ khiến các thương hiệu và các nhà bán lẻ đánh giá lại việc hợp tác thương mại trong tương lai với Bangladesh khi rủi ro từ việc chậm trễ giao và cung cấp đơn hàng (từ 3 - 4 tuần) có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập hàng quý của các nhà bán lẻ lớn", Munir Mashooqullah cho biết thêm.

Một phụ nữ làm việc trong một xưởng may ở Dhaka, Bangladesh. (Nguồn: File/Reuters)

Một phụ nữ làm việc trong một xưởng may ở Dhaka, Bangladesh. (Nguồn: File/Reuters)

Các nhà nhập khẩu chuyển trọng tâm sang các thị trường thay thế

Trang tin tức của Ấn Độ Firstpost cho biết, trong khi thế giới đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến nhanh chóng ở Bangladesh, các nhà mua hàng quốc tế, đặc biệt là các nhà nhập khẩu hàng dệt may, đang chuyển trọng tâm sang các thị trường thay thế, trong đó có Ấn Độ.

Bangladesh là thị trường quan trọng của hàng dệt may Ấn Độ và đóng vai trò vừa là trung tâm sản xuất vừa là điểm đến xuất khẩu quan trọng.

Xuất khẩu hàng may mặc hàng tháng của Bangladesh là 3,5-3,8 tỷ USD, chiếm thị phần hai chữ số cao tại thị trường Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh. Trong khi đó, Ấn Độ đang xuất khẩu mặt hàng này ở mức 1,3-1,5 tỷ USD mỗi tháng.

Một báo cáo từ Nhật báo Business Standard của Ấn Độ trích dẫn lời các chuyên gia trong ngành dệt may nước này cho biết nếu 10% - 11% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh được chuyển hướng sang các trung tâm sản xuất hàng dệt may của Ấn Độ như Triuppur thì Ấn Độ sẽ thu được thêm 300-400 triệu USD mỗi tháng.

Báo cáo trích lời KM Subramanian, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Tiruppur cho biết: "Chúng tôi hy vọng các đơn hàng có thể bắt đầu dịch chuyển đến Tiruppur trong năm tài chính này, dự kiến các đơn hàng sẽ tăng ít nhất 10% so với năm ngoái".

Nếu sự gián đoạn hiện tại kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người mua hàng. Ban đầu, người mua có thể sẽ chuyển một số đơn hàng sang Ấn Độ và các quốc gia khác. Chúng tôi có khả năng xử lý thêm 300-400 triệu USD đơn hàng ngay lập tức”, Prabhu Damodaran, thư ký của Liên đoàn Doanh nhân Texpreneurs Ấn Độ, một tổ chức trong ngành dệt may Ấn Độ chia sẻ với Business Standard.

Các cuộc biểu tình và biến động ở Bangladesh diễn ra vào thời điểm quốc gia này dự kiến sẽ vượt qua mức 50 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2024, cao hơn so với mức khoảng 47 tỷ USD của năm 2023.

Báo cáo cũng cho biết thêm rằng, các doanh nghiệp sản xuất do người Ấn Độ sở hữu tại Bangladesh cũng có khả năng chuyển cơ sở sang Ấn Độ.

Có gần 25% các doanh nghiệp dệt may ở Bangladesh thuộc sở hữu của nhà đầu tư Ấn Độ. Trong số đó có các công ty như: Shahi Exports, House of Pearl Fashions, Jay Jay Mills, TCNS, Gokaldas Images và Ambattur Clothing, nhà phân tích chính sách thương mại S Chandrasekaran cho biết.

Việc vận chuyển hàng hóa bị đình trệ và chuỗi cung ứng cho mùa Giáng sinh sắp tới bị gián đoạn. Ấn Độ có lợi thế vì các đơn hàng sẽ được chuyển hướng”, Chandrasekaran nhận định và cho rằng: "Sự sụt giảm đột ngột về khối lượng hàng dệt may toàn cầu có thể được bù đắp bằng sự gia tăng xuất khẩu của Ấn Độ".

Một số lợi thế cho dệt may Việt Nam

Trong bối cảnh những diễn biến bất ổn tại Bangladesh nói chung và khó khăn của ngành dệt may Bangladesh nói riêng, dự báo ngành dệt may Việt Nam cũng sẽ có một số lợi thế.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dẫn nguồn tin của Business Standard cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25% - 40%. Đó là chưa kể đến giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm trên thế giới. Nhập khẩu từ Tây Âu sụt giảm vì lạm phát; nhập khẩu từ Nga cũng giảm sâu. Một số doanh nghiệp, trước xuất khẩu được sang Nga giá trị hơn 1 triệu USD/tháng thì nay giảm về bằng 0.

Nguyên nhân quan trọng hơn được cho là cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt mà Bangladesh đang phải đối mặt. Tình hình ngân sách eo hẹp được cho đã buộc Chính phủ Bangladesh phải cắt giảm trợ cấp khí đốt. Đơn hàng vốn đã eo hẹp hơn trước, nhưng với tình hình này dù có đơn hàng thì nhiều doanh nghiệp cũng phải quyết định bỏ đơn. Dệt may vốn là ngành thâm dụng khí đốt. Trong nhiều trường hợp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Bangladesh hiện nay còn cao hơn giá có thể xuất khẩu trên thị trường.

Theo VITAS, là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam, với tình hình trên thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn.

Thứ nhất, tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút giữa mùa cao điểm đang sản xuất hàng cho mùa đông; nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt;

Thứ hai, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút;

Thứ ba, sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh, như vậy lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh cũng sẽ bị giảm sút.

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc), đặc biệt lợi thế do có lực lượng lao động rất lớn, với mức lương rẻ. Đây là ngành đóng góp tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh.

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã cảnh báo, việc quá phụ thuộc vào ngành dệt may đã, đang gây ra nguy cơ lớn và lâu dài đối với nền kinh tế Bangladesh. Nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra không chỉ quá phụ thuộc vào xuất khẩu dệt may, các thị trường của dệt may Bangladesh cũng đang thiếu đi sự đa dạng cần thiết. Hiện nay, 4/5 tổng lượng hàng dệt may xuất khẩu của nước này bó hẹp ở các thị trường Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu.

Bangladesh đang chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1971, khi bà Sheikh Hasina đã từ chức Thủ tướng Bangladesh và rời khỏi đất nước trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính quyền diễn ra.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nganh-det-may-bangladesh-gap-kho--du-bao-viet-nam-va-an-do-huong-loi-124834.htm