Ngành dệt may, da giày Việt Nam đẩy mạnh nội địa hóa và công nghệ trước biến động thuế quan
Ngành dệt may, da giày Việt Nam đang đối mặt với áp lực từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững từ EU. Để duy trì tăng trưởng, các doanh nghiệp đang mở rộng các thị trường mới, đồng thời đẩy mạnh nội địa hóa nguyên liệu và ứng dụng công nghệ blockchain, QR code nhằm minh bạch chuỗi cung ứng.
Thách thức thuế quan và cơ hội thị trường mới
Ngành dệt may, da giày Việt Nam là một trong những mũi nhọn xuất khẩu, đóng góp hàng chục tỷ USD mỗi năm vào cán cân thương mại quốc gia.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 14 tỷ USD, tăng trưởng 12%, với Mỹ và EU là hai thị trường chủ lực. Tuy nhiên, biến động thuế quan có thể tăng chi phí sản phẩm, khiến giày, dép Việt Nam trở nên đắt đỏ và có thể giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Ảnh: Lạc Nguyên
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LEFASO nhấn mạnh, ngành cần tập trung vào ba mục tiêu: đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu; phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu xanh, thân thiện với môi trường; và giảm phụ thuộc vào nguồn cung duy nhất để nhanh chóng tiếp cận các nguồn nguyên liệu mới. Những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo sản xuất bền vững và đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường quốc tế.
Bên cạnh thị trường truyền thống, việc thâm nhập các thị trường mới như Ả Rập Xê Út, UAE và châu Phi mở ra nhiều cơ hội. Các thị trường này yêu cầu sản phẩm phù hợp với văn hóa và nhu cầu địa phương, như thiết kế mang phong cách Trung Đông cho Ả Rập Xê Út, UAE, hoặc sản phẩm giá cạnh tranh, chất lượng ổn định cho châu Phi.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên chia sẻ: “Để tránh rủi ro từ thay đổi thuế quan, chúng tôi tập trung sử dụng nguyên liệu từ Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời sản xuất bao bì trong nước với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các đối tác Hoa Kỳ. Doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ sớm, đặc biệt ưu tiên ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đáp ứng chính xác các tiêu chuẩn của đối tác”.
Để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, EU và tạo nền tảng để ngành da giày và túi xách Việt Nam mở rộng thị phần, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu thị trường, tối ưu hóa quy trình sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng cao.
Nội địa hóa và công nghệ để phát triển bền vững
Ngành dệt may và da giày Việt Nam đang đối mặt với điểm yếu lớn là sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, ngành dệt may TP. Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu lên 46% trong ngắn hạn và đạt 80% vào năm 2030. Việc này không chỉ giảm phụ thuộc vào nguồn cung ngoại mà còn giúp đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ, mở rộng cơ hội vào các thị trường quốc tế.

Ngành dệt may, da giày Viêt Nam hướng tới trung tâm thời trang toàn cầu. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, công nghệ cũng đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi ngành dệt may và da giày theo hướng bền vững. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajeans) chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư vào công nghệ 4.0 như thiết kế 3D, máy cắt tự động, kho thông minh, và các giải pháp xanh như hệ thống tuần hoàn nước và máy ozone. Nhờ đó, Công ty giảm lượng phát thải các-bon từ 54 kg xuống dưới 38 kg/sản phẩm, đáp ứng Cơ chế Điều chỉnh niên giới các-bon (CBAM) của EU, dự kiến áp dụng từ năm 2026".
Ông Việt cho biết thêm, doanh nghiệp cũng tích hợp blockchain vào chuỗi cung ứng để minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc nguyên liệu, lao động và tác động môi trường. Mỗi sản phẩm được gắn mã QR, cung cấp dữ liệu chi tiết về khí thải carbon, giúp đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường như EU, Mỹ, và các thị trường mới như Úc, Canada, Hàn Quốc… Những thị trường này đang được công ty mở rộng để bù đắp sản lượng giảm do biến động địa chính trị và nhu cầu suy yếu từ các thị trường truyền thống lớn.
"Tuy nhiên, đầu tư công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khó huy động vốn. Thiếu nhân lực chất lượng cao và hạn chế về chính sách hỗ trợ, như quỹ đất hoặc ưu đãi thuế, cũng là rào cản" - ông Việt chỉ ra.
Để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thời trang toàn cầu, Hiệp hội LEFASO cũng đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chuỗi cung ứng ngành thời trang Việt Nam. Trung tâm sẽ đảm nhận các chức năng như trưng bày sản phẩm, kiểm soát chất lượng, hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu và chuyển giao công nghệ.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, trung tâm này được kỳ vọng sẽ là giải pháp then chốt, giúp nâng cấp chuỗi cung ứng, tăng giá trị gia tăng cho ngành, đồng thời giảm phụ thuộc vào lợi thế nhân công giá rẻ như trước đây.
“Việt Nam cần hướng tới trở thành ngành thời trang quốc gia. Việc xây dựng một trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút các nhà thiết kế và thương hiệu quốc tế, tạo ra các bộ sưu tập theo mùa, đồng thời thúc đẩy giá trị gia tăng cho ngành, phục vụ cả xuất khẩu và du lịch” - Ông Việt bổ sung thêm./.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Chính phủ, với các ưu đãi như giảm thuế giá trị gia tăng 2% và hỗ trợ chuyển đổi số, công nghệ xanh, được đánh giá là kịp thời. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cần triển khai đồng bộ và mạnh mẽ hơn để hỗ trợ gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.