Ngành dệt may đột phá về thị trường xuất khẩu

Ngày 23-11, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị tổng kết Vitas 2023. Tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành cũng như đưa ra nhiều dự báo cho năm 2024.

Năm 2023 là năm nhiều thách thức lớn với ngành dệt may, như tác động của dịch Covid-19, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm. Năm 2023 dự kiến ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.

“Mặc dù sụt giảm về xuất khẩu nhưng với những khó khăn trong năm nay, con số này đã được coi là sự bứt phá và cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta bứt phá cả về thị trường và mặt hàng. Chưa năm nào ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều vào các thị trường như năm 2023, với 104 thị trường”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

 Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin xuất khẩu dệt may năm 2023 đạt 40,3 tỷ USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin xuất khẩu dệt may năm 2023 đạt 40,3 tỷ USD.

Theo báo cáo từ Vitas, thị trường đứng đầu trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, với hơn 11 tỷ USD; thứ 2 là Nhật Bản khoảng 3 tỷ USD; Hàn Quốc 2,43 tỷ USD; EU gần 2,9 tỷ USD… Đây là 4 thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam.

Bên cạnh đó, về mặt hàng, các doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, có sự đa dạng hơn với 36 mặt hàng may mặc; trong đó, các mặt hàng như: Đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh. Việc đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng và khách hàng, đối tác là bước tiến cho việc dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn. Những thị trường trước đây không nhập khẩu thì nay đã nhập khẩu của Việt Nam, tạo vị thế cho Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

 Quang cảnh cuộc họp báo.

Quang cảnh cuộc họp báo.

Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, Vitas xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Ông Vũ Đức Giang thông tin thêm, Vitas sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, lấy lợi ích của doanh nghiệp dệt may làm trọng tâm. Cụ thể: Thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế-xã hội trong nước và thế giới đến Hội viên. Đặc biệt, Vitas luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nganh-det-may-dot-pha-ve-thi-truong-xuat-khau-752649