Ngành dệt may dự báo khó khăn đến hết năm 2023

Trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới dự báo giảm 8-10%, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhận định tình hình khó khăn của ngành dệt may có thể kéo dài đến hết năm 2023 với kim ngạch xuất khẩu trên dưới 40 tỷ USD.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2001 – 2022, ngành dệt may của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng thần kỳ khi kim ngạch xuất khẩu tăng từ 1,96 tỷ USD lên 44,4 tỷ USD, tương ứng gấp khoảng 22 lần. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bắt đầu từ quý 4/2022, xuất khẩu dệt may đã cho thấy sự suy yếu, đặc biệt trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 22,8 tỷ USD, giảm 14,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023, các tháng đầu năm 2023, các mặt hàng của ngành dệt may đều ghi nhận giảm sâu. Cụ thể, hàng may mặc xuất khẩu đạt 17,8 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước; vải đạt 1,37 tỷ USD, giảm 18%; xơ sợi đạt 2,5 tỷ USD, giảm 20,7%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 700 triệu USD, giảm 17%...

Tình hình khó khăn của ngành dệt may dự báo kéo dài đến hết năm nay và có thể sang năm sau trong bối cảnh tổng nhu cầu thế giới về dệt may năm 2023 dự kiến giảm khoảng 8-10%. Do vậy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2023 có thể đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm 9-10% so với năm 2022.

Tuy nhiên, ông Cẩm cũng cho rằng, để thấy rõ bức tranh của ngành thì không chỉ nhìn ở khía cạnh tăng trưởng xuất khẩu. Bởi ngoài xuất khẩu, mối lo lớn của ngành dệt may còn là tính hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, ngoài đơn hàng thấp, doanh nghiệp còn đối mặt với việc giá cả xuống thấp. Do vậy, doanh nghiệp phải tiếp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh để duy trì hoạt động.

“Đơn cử như doanh nghiệp chuyên sản xuất dệt thoi phải chuyển sang sản xuất dệt kim, năng suất thấp mà hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng doanh nghiệp muốn cầm cự, giữ chân người lao động thì dù lỗ cũng phải chấp nhận. Đấy là cái khó của ngành. Nếu nhìn tăng trưởng xuất khẩu thì không thể thấy rõ bức tranh của ngành”, theo ông Cẩm.

Thế khó từ các quy định mới của các thị trường xuất khẩu

Tại các thị trường xuất khẩu, bên cạnh ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu dùng suy giảm…, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may còn chịu tác động từ các quy định liên quan đến môi trường, tính tuần hoàn của sản phẩm…

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, Việt Nam đang có ưu thế khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất hàng dệt may xuất khẩu sang EU sẽ về 0% trong vòng 7 năm.

Tuy nhiên, hiện nay EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may trong kinh tế tuần hoàn và đưa ra yêu cầu pháp lý liên quan đến dệt may, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền của sản phẩm dệt may và quyền sửa chữa.

EU là một trong hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 4,7 tỷ USD hàng dệt may sang EU, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Mỹ). EU từ trước tới nay luôn là thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng với các quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường.

Trong tháng 4/2023, hội nghị bộ trưởng các nước EU đã thông qua quy định eco-design (eco-design là phương pháp thiết kế sản phẩm hoặc dịch vụ không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường). Hiện các doanh nghiệp trong hiệp hội dệt may của EU phải đầu tư rất nhiều trong việc triển khai các quy định về eco-design.

EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất với chất thải) trên toàn EU đối với hàng may mặc. Điều này sẽ buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sữa chữa.

Dù vậy, EPR nếu có hiệu lực thì không chỉ Việt Nam, các nước xuất khẩu dệt may khác cũng phải tuân thủ các quy định liên quan.

Trong khi đó, theo ông Quân, một vấn đề lo ngại khác đáng lưu tâm là xây dựng thương hiệu tại EU. Ông Quân cho rằng, ngành dệt may của Việt Nam rất khó xuất khẩu thương hiệu riêng vào EU. Bởi thị trường yêu cầu các doanh nghiệp có thương hiệu phải xây dựng được chuỗi cửa hàng, chuỗi thu mua, xử lý, sửa chữa sản phẩm. “Đó mới là vấn đề cản trợ ngành dệt may của chúng ta tại thị trường này”, ông Quân nhận định.

Lợi ích của eco - design.

Lợi ích của eco - design.

Trong khi đó, tại Canada, đây được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng dệt may của Việt Nam khi giá trị tiêu thụ trung bình ổn định khoảng 14-15 tỷ USD/năm và sẽ tăng thêm trong các năm tiếp theo do tăng quy mô dân số. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,8 tỷ USD sản phẩm dệt may các loại sang Canada. Với hiệp định CPTPP (Canada là một trong số các thành viên), doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể được miễn thuế khi xuất khẩu vào quốc gia này nếu đáp ứng đủ các điều kiện của hiệp định.

Tuy nhiên, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, trong nỗ lực giảm rác thải nhựa và phát thải CO2, Canada đang hướng đến phát triển ngành thời trang và dệt may tuần hoàn và vận động tiêu dùng dệt may bền vững.

Thời gian tới, Canada sẽ xây dựng các cơ chế để giảm rác thải dệt may, trong đó có việc yêu cầu các thành phố phải thực hiện thống kê bắt buộc rác thải dệt may và thực hiện phân loại rác thải dệt may.

Các cửa hàng (nhãn hàng) có trách nhiệm xây dựng các chương trình thu đổi quần áo cũ tại cửa hàng như là một phần của chương trình EPR. Luật ghi nhãn dệt may cũng sẽ được sửa đổi nhằm khuyến khích hàm lượng sợi tái chế thay vì ghi "chỉ có vật liệu mới" và có cơ chế khuyến khích thuế đối với các sản phẩm dùng sợi tái chế.

Ngoài chú trọng đến yếu tố môi trường trong tiêu thụ dệt may, cả Chính phủ và người dân Canada đều có ý thức cao về việc tham gia thương mại lành mạnh, thương mại công bằng. Nghĩa là khi tiêu thụ hàng hóa, Canada còn quan tâm cả đến điều kiện sản xuất, an toàn lao động và sử dụng lao động tuân thủ các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nganh-det-may-du-bao-kho-khan-den-het-nam-2023-post25025.html