Ngành dệt may Mỹ dựa vào chính sách thuế nhập khẩu để hồi sinh

Trong khi các nhà nhập khẩu ở Mỹ chỉ trích thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc, các nhà sản xuất hàng may mặc của nước này cho rằng, chính sách thuế đang tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn.

Công nhân may làm việc nhà máy của Ferrara Manufacturing ở New York, Mỹ: Ảnh: Bloomberg

Công nhân may làm việc nhà máy của Ferrara Manufacturing ở New York, Mỹ: Ảnh: Bloomberg

Joseph Ferrara, CEO của Ferrara Manufacturing, công ty sản xuất hàng may mặc ở New York, ghi nhận, thuế nhập khẩu áp vào các sản phẩm dệt may của Trung Quốc đã giúp vực dậy hoạt động kinh doanh của công ty ông.

Ferrara Manufacturing chuyên sản xuất áo sơ mi dài tay, áo khoác và các trang phục khác cho các thương hiệu lớn của Mỹ. Nhưng mảng kinh doanh nhãn hàng riêng này gặp khó khăn trong hai thập niên qua do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu giá thấp từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Joseph Ferrara cho biết, mức thuế mà chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump bắt đầu áp vào một loạt hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2018 giúp Ferrara Manufacturing cạnh tranh về giá và hồi sinh mảng kinh doanh nhãn hàng riêng.

“Hoạt động kinh doanh nhãn hàng riêng của chúng tôi đang phục hồi nhờ thuế áp vào hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc”, ông nói.

Ferrara là một trong những nhà sản xuất dệt may của Mỹ tin rằng thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với sự sự tồn tại của ngành kinh doanh may mặc ở Mỹ.

Trong tháng này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng thuế đối với một loạt hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc từ xe điện, pin cho đến thiết bị y tế. Nhà Trắng cũng quyết định giữ nguyên các mức thuế nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc dưới thời chính quyền của ông DonaldTrump, gồm các mức thuế 25% đối với nguyên liệu dệt may như sợi và da, 7,5% đối với các sản phẩm dệt may thành phẩm.

Chiến lược này đang thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc chuỗi cung ứng, bao gồm tăng cường sản xuất ở Mỹ và các công ty chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác như Mexico để tránh thuế quan.

Các tổ chức thương mại đại diện cho các nhà nhập khẩu của Mỹ chỉ trích chính sách thuế của chính phủ Mỹ, cho rằng sẽ làm tăng chi phí trong chuỗi cung ứng và dẫn đến giá cao hơn đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất hàng may mặc của Mỹ lập luận rằng, thuế quan có thể giúp sản phẩm của họ lấy lại khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Mỹ nhập khẩu 25,2 tỉ đô la hàng dệt may từ Trung Quốc hồi năm ngoái, chiếm khoảng 24% tổng lượng hàng dệt may nhập khẩu, theo Cơ quan quản lý thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Mỹ. Con số này đã giảm so với mức 32,7 tỉ đô la của năm trước và 43,2 tỉ đô la vào năm 2015.

Các nhà sản xuất hàng may mặc Mỹ cho biết, họ cũng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà bán lẻ trực tuyến giá rẻ của Trung Quốc bao gồm Shein và Temu. Hai nhà bán lẻ này thường giao hàng trực tiếp cho khách hàng bằng cách tận dụng quy tắc tối thiểu (minimis rule), cho phép miễn thuế nhập khẩu và các thủ tục giấy tờ khác cho các gói hàng đơn lẻ có trị giá dưới 800 đô la Mỹ.

Theo Kimberly Glas, CEO của Hội đồng các tổ chức dệt may quốc gia Mỹ (NCTO), làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc đã tàn phá ngành sản xuất hàng may mặc của Mỹ kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.

Các nhà sản xuất dệt may, sản phẩm dệt may hiện sử dụng khoảng 267.000 lao động ở Mỹ, tính đến tháng 4- 2024. Con số đó chỉ là một phần nhỏ so với 1,2 triệu người làm việc trong ngành này cách đây 25 năm.

Một số nhà sản xuất hàng dệt may ở Mỹ chuyển hướng kinh doanh để duy trì hoạt động. Greenwood Mills, nhà sản xuất vải có trụ sở tại bang Nam Carolina, từng sản xuất vải denim cho Levi Strauss và sử dụng khoảng 10.000 lao động tại các nhà máy ở Mỹ đã đóng cửa bảy cơ sở kể từ năm 1998, ngừng sản xuất vải denim. Hiện công ty chỉ sử dụng 320 lao động để sản xuất vải dùng cho đồng phục của quân đội Mỹ cũng như các công nhân ngành điện lực và tiện ích.

Jay Self, Chủ tịch của Greenwood Mills cho biết, công ty ông chuyển hướng sản xuất vải đồng phục quân đội để duy trì hoạt động kinh doanh. Ông cân nhắc sản xuất quốc kỳ của Mỹ nhưng rồi nhận thấy gần như không thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm của Trung Quốc, nơi mọi thứ cần thiết để vận hành các nhà máy từ nhân công đến điện đều rẻ hơn nhiều so với ở Mỹ.

Ông muốn thuế quan đối với vải và hàng may mặc của Trung Quốc tăng gấp đôi, cũng như thực thi biện pháp hải quan bổ sung để điều tra các cáo buộc về lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi loại bỏ quy tắc tối thiểu cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với các gói hàng có giá trị nhỏ để giúp các công ty may mặc Mỹ giành thị phần trong nước.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-det-may-my-dua-vao-chinh-sach-thue-nhap-khau-de-hoi-sinh/