Ngành dệt may sẽ có thêm 4 - 5 nhà máy sợi lớn
Dự án Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định vừa chính thức được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa vào vận hành. Nhà máy đi vào hoạt động chỉ sau đúng 1 năm xây dựng, bước đầu giúp Vinatex có thêm nguồn cung sợi chất lượng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định được Vinatex đầu tư xây dựng với quy mô 3 vạn cọc sợi, có tổng mức đầu tư 465 tỷ đồng, được trang bị dây chuyền hiện đại nhất thế giới hiện nay để sản xuất các loại sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp dệt may.
Đây là dự án điểm của Vinatex trong lộ trình hoàn thiện chuỗi cung ứng, đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.
Sợi Vinatex Nam Định không phải là dự án sợi duy nhất đưa vào vận hành trong năm nay. Theo thông tin từ Vinatex, từ nay đến cuối năm, có thêm 4 - 5 dự án sợi lớn do Vinatex đầu tư hoặc của các công ty thành viên của Tập đoàn đầu tư sẽ được đưa vào vận hành.
Một trong những dự án được chờ đợi là Dự án Nhà máy Sợi Phú Cường (Đồng Nai), được khởi công xây dựng năm 2015, quy mô 3 vạn cọc sợi. Dự án đã hoàn thành xây dựng để đưa vào chạy thử.
Nhà máy Sợi Phú Cường được khởi công xây dựng tháng 2/2015 tại Cụm công nghiệp Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư gần 465 tỷ đồng. Nhà máy hoàn thành, khi chạy đủ 100% công suất sẽ cung cấp khoảng 5.000 tấn sợi cao cấp cho các nhà máy dệt chất lượng cao trong Tập đoàn để đảm bảo nguồn vải may xuất khẩu.
Một dự án khác là Nhà máy Sợi Đồng Văn 1 (Hà Nam) do Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 500 tỷ đồng. Với quy mô hơn 3 vạn cọc sợi, công suất 5.500 tấn sản phẩm/năm, dự án này đang được gấp rút thi công để về đích đúng hẹn.
Ông Nguyễn Song Hải, Tổng giám đốc Hanosimex cho hay, Dự án đang trong quá trình thi công xưởng sợi, kho sợi, kho bông cùng hệ thống hạ tầng để kịp hoàn thành chậm nhất vào tháng 12/2016.
Một trong những điểm chung dễ thấy từ các dự án đầu tư sợi mà Vinatex và các doanh nghiệp thành viên thực hiện thời gian gần đây là thời gian thi công chỉ khoảng 1 năm, tiết kiệm được nhiều chi phí tài chính và nguồn lực.
Tính đến cuối năm 2015, ngành dệt may Việt Nam đã có 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Ngoài nhóm sản phẩm chủ lực luôn dẫn đầu là may mặc, với giá trị xuất khẩu 22 tỷ USD năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu sợi các loại với giá trị trên 3 tỷ USD/năm. Như vậy, ngành dệt may không chỉ làm gia công, mà còn tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu được lượng nguyên liệu ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, với một loạt nhà máy sợi đang được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) triển khai, nguồn cung sợi sẽ tăng nhanh nữa, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu.
Quan trọng hơn, khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ giúp hoàn chỉnh chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm - may cho từng vùng, miền, nhằm tăng giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu cầu cũng như tận dụng cơ hội từ các FTA.
Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/nganh-det-may-se-co-them-4---5-nha-may-soi-lon-d44365.html