Ngành dệt may Việt Nam cần đón đầu chuyển đổi xanh

Nhiều thách thức trong chuyển đổi Xanh của ngành dệt may Việt Nam khi các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường với Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD)…

Phiên tọa đàm “Những ví dụ điển hình và bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển” sáng 1/12 tại TP.HCM

Phiên tọa đàm “Những ví dụ điển hình và bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển” sáng 1/12 tại TP.HCM

Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh" diễn ra hôm 1-12 vừa qua, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, nhiều quy định (như chứng chỉ LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi.

Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD).

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, theo bà Lành Huyền Như, Quản lý dự án Chuỗi Cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với khía cạnh bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.

Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh. Năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời (Photovoltaic - PV) được xem là một trong những giải pháp lâu dài cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất dệt may xanh, bền vững.

Theo các chuyên gia, cũng như bất kỳ khoản đầu tư nghiêm túc nào khi lắp đặt hệ thống PV an toàn là một trong những vấn đề cần lưu tâm nhất. Các quy định về an toàn đang được các công ty bảo hiểm, cơ quan phòng cháy chữa cháy và chính phủ trên toàn cầu quan tâm mạnh mẽ.

Đại diện của SolarEdge, một trong những công ty tiên phong về giải pháp biến tần năng lượng mặt trời sử dụng công nghệ tối ưu công suất optimizer, đã chia sẻ về các quy định kỹ thuật an toàn quốc tế và yêu cầu bảo hiểm tại một số quốc gia mà các doanh nghiệp Việt nên lưu ý. Trong đó, có Tiêu chuẩn An toàn tại Hoa Kỳ - NEC 2017, NEC 2020 và khuyến nghị từ các công ty bảo hiểm. SolarEdge đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh theo cách an toàn hơn, tiết kiệm chi phí và bền vững.

Trong phiên tọa đàm “Những ví dụ điển hình và bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển”, các đại diện từ VITAS, WWF Việt Nam, SolarEdge Việt Nam, LONGi và HDBank tiếp tục đào sâu câu chuyện chuyển đổi xanh tại các quốc gia tiên tiến, cơ hội dành cho Việt Nam và tiếp cận “Tín dụng Xanh” dành cho doanh nghiệp.

Phó Giám đốc VCCI-HCM Nguyễn Hữu Nam cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh để tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Hội thảo hôm nay đã cho thấy mức độ quan tâm sâu sắc của các doanh nghiệp Việt Nam về những cam kết chung vì một tương lai xanh của ngành dệt may.

Hồng Vinh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-det-may-viet-nam-can-don-dau-chuyen-doi-xanh.htm