Ngành điện ảnh đối mặt sóng gió trước thuế phim 'chưa từng có' của ông Trump

Ý định áp thuế 100% đối với phim sản xuất ngoài lãnh thổ Mỹ của Tổng thống Donald Trump, dù với mong muốn 'hồi sinh' Hollywood, lại có nguy cơ làm tổn thương ngành công nghiệp điện ảnh ở Mỹ và trên toàn cầu.

Ngày 4/5 vừa qua, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã cho phép Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) bắt đầu quy trình áp thuế 100% đối với tất cả các bộ phim sản xuất ở nước ngoài khi nhập khẩu vào Mỹ.

Với lập luận rằng ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đang “chết rất nhanh”, cùng với cáo buộc các quốc gia khác đang “đưa ra đủ loại ưu đãi để dụ dỗ các hãng phim rời khỏi nước Mỹ”, ông Trump cho rằng sự cạnh tranh toàn cầu trong ngành phim ảnh là một mối đe dọa an ninh quốc gia, khẳng định phim nước ngoài là “công cụ tuyên truyền và định hướng dư luận”.

Hiện chi tiết kế hoạch vẫn chưa được công bố, bao gồm việc liệu mức thuế này có áp dụng với các hãng phim Mỹ quay phim ở nước ngoài hay không. Song nếu được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên một loại thuế trong chính sách thương mại của ông Trump áp lên lĩnh vực dịch vụ, cụ thể là điện ảnh.

Tuyên bố áp thuế 100% đối với phim sản xuất ngoài lãnh thổ Mỹ của Tổng thống Trump đang làm "rung chuyển" ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Động thái này không chỉ gây áp lực lên các trung tâm sản xuất phim quốc tế như Australia, Canada mà còn đe dọa cán cân thương mại giải trí của chính nước Mỹ.

Hollywood đối mặt nghịch lý

Ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ, dù đang đối mặt với khó khăn, vẫn duy trì vị thế thống trị toàn cầu. Theo thống kê từ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), năm 2023, Hollywood ghi nhận doanh thu tới 22,6 tỷ USD từ xuất khẩu phim, với thặng dư thương mại đạt 15,3 tỷ USD. Các phim Mỹ vẫn chiếm ưu thế tại phòng vé trong nước, và không có phim tiếng nước ngoài nào lọt vào top 50 phim ăn khách nhất ở nước ngoài trong năm ngoái. Mười phim có doanh thu cao nhất thế giới đều do các hãng phim Mỹ phát hành.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất phim tại Mỹ, đặc biệt tại bang California, đã tăng mạnh sau những cuộc biểu tình đòi quyền lợi từ các công đoàn người lao động trong lĩnh vực điện ảnh. Điều này khiến nhiều dự án phim của Hollywood phải thực hiện tại các địa điểm ở nước ngoài, nơi các quốc gia như Canada, Anh, hay Australia thường cung cấp chi phí thấp hơn và những ưu đãi hấp dẫn.

Tuyên bố áp thuế 100% đối với phim sản xuất ngoài lãnh thổ Mỹ của Tổng thống Trump đang làm "rung chuyển" ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Ảnh: Unsplash

Tuyên bố áp thuế 100% đối với phim sản xuất ngoài lãnh thổ Mỹ của Tổng thống Trump đang làm "rung chuyển" ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Ảnh: Unsplash

Tổng thống Trump lập luận rằng, thuế quan sẽ đưa sản xuất phim trở lại Mỹ, nhưng kế hoạch của ông được cho là thiếu các biện pháp hỗ trợ trong nước. Nhiều nhà sản xuất phim và ngôi sao điện ảnh, như nam tài tử Jon Voight và đạo diễn Steven Paul, kêu gọi tổng thống Mỹ đưa ra những ưu đãi liên bang để cạnh tranh với các quốc gia khác. Trong các cuộc thảo luận tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago, họ đề xuất các ưu đãi này nên kết hợp với chính sách thuế hiện có của các tiểu bang, đồng thời có thể chuyển nhượng để thu hút đầu tư.

ĐỌC NGAY: Mỹ áp thuế 100% lên phim nhập khẩu

Một số tiểu bang như Georgia, New Mexico hay Texas đã sử dụng tín dụng thuế và trợ cấp để thu hút các nhà làm phim. Georgia, chẳng hạn, cung cấp tín dụng thuế lên đến 30% chi phí sản xuất, trong khi Texas có chương trình trợ cấp trực tiếp, giúp các dự án phim lớn như Transformers (Robot biến hình) hay The Walking Dead (Xác sống) chọn nơi đây làm bối cảnh. Nhưng bang California, trung tâm của Hollywood, lại đang tụt hậu. Sản lượng các nội dung truyền hình và điện ảnh tại Los Angeles - thành phố lớn nhất California, vào năm ngoái giảm 5,6% so với 2023, mức thấp chỉ sau thời kỳ đại dịch. Thống đốc California Gavin Newsom đã đề xuất tăng tín dụng thuế phim lên 750 triệu USD mỗi năm, nhưng con số này vẫn chưa đủ để giữ chân các dự án lớn.

Rủi ro lớn nhất của thuế quan là nguy cơ trả đũa từ các quốc gia khác. Hollywood phụ thuộc vào doanh thu quốc tế, với các phim lớn kiếm phần lớn lợi nhuận từ thị trường toàn cầu. Các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Disney+ hay Amazon cũng sản xuất nội dung cho khán giả toàn cầu tại hàng chục quốc gia. Nếu Trung Quốc, vốn đã hạn chế nhập khẩu phim Mỹ, hoặc châu Âu áp thuế trả đũa, Hollywood có thể mất đi nguồn thu khổng lồ. Trung Quốc gần đây đã nới lỏng hạn chế với một số phim từ Mỹ như How to Train Your Dragon, nhưng thuế quan mới có thể khiến Bắc Kinh siết chặt trở lại.

Hệ lụy cho các trung tâm phim quốc tế

Australia, thường được gọi là “Hollywood miền ngược”, là một trong những điểm đến hàng đầu cho các dự án phim lớn của Mỹ như The Fall Guy (Kẻ thế thân), Kingdom of the Planet of the Apes (Hành tinh khỉ: Vương quốc mới) hay Thor: Ragnarok. Chính phủ liên bang Australia cung cấp khoản hoàn thuế 30% cho các dự án quay tại đây, kết hợp với ưu đãi từ các bang, tạo sức hút mạnh mẽ với các hãng phim quốc tế.

Tuy nhiên, thuế quan của Tổng thống Trump có thể khiến những ưu đãi này mất đi sức cạnh tranh, đặc biệt với các dự án nhắm đến thị trường Mỹ. Thủ tướng Australia Anthony Albanese, sau cuộc trò chuyện “ấm áp” với Tổng thống Trump, chưa đề cập cụ thể đến thuế phim, nhưng Bộ trưởng Nghệ thuật Australia Tony Burke khẳng định sẽ bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. Tuyên bố này phản ánh sự lo ngại sâu sắc về khả năng suy giảm dòng vốn đầu tư từ Hollywood vào quốc gia này.

Tương tự, Canada, với thành phố Vancouver được mệnh danh là “Hollywood phương Bắc”, cũng đứng trước nguy cơ lớn. Năm 2023, ngành công nghiệp phim và truyền hình tại vùng British Columbia (Canada) tạo ra giá trị tới 2,3 tỷ USD, dù đã giảm so với con số 3,3 tỷ USD năm 2022 do các cuộc đình công tại Hollywood. Chính quyền khu vực này cung cấp khoản trợ cấp 900 triệu USD, với 80% dành cho các dự án nước ngoài, và vừa tăng tín dụng thuế từ 28% lên 36%.

Các dự án phim như The Last of Us của đài HBO phụ thuộc lớn vào cơ sở hạ tầng và nhân lực tại thành phố Vancouver (Canada). Nếu thuế quan của Tổng thống Trump được áp dụng, chi phí đưa các phim này vào thị trường Mỹ sẽ tăng vọt, khiến các hãng phim phải cân nhắc lại việc quay phim tại Canada.

Nguy cơ với khán giả và thị trường toàn cầu

Thuế quan "chưa từng có" của ông Trump không chỉ đe dọa ảnh hưởng đến các nhà sản xuất mà còn tác động trực tiếp đến khán giả. Giá vé xem phim tại Mỹ có thể tăng, đặc biệt với các phim quốc tế như Mad Max của Úc hay Parasite (Lý sinh trùng) của Hàn Quốc. Trong khi đó, các phim Mỹ quay ở nước ngoài như Wicked hay Dune: Part Two cũng có thể chịu thuế, đẩy chi phí sản xuất và giá vé lên cao. Điều này mâu thuẫn với tuyên bố của Tổng thống Trump về việc bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, khi chính sách của ông có thể làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ.

Hơn nữa, thuế quan có thể làm giảm sự đa dạng văn hóa trên màn ảnh. Các phim nước ngoài, dù chiếm thị phần nhỏ tại Mỹ, mang lại giá trị nghệ thuật và góc nhìn mới. Parasite, bom tấn của Hàn Quốc từng giành giải Oscar năm 2020, là minh chứng cho sức ảnh hưởng của phim quốc tế. Nếu thuế quan khiến các phim này khó tiếp cận khán giả Mỹ, ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu sẽ mất đi cơ hội giao lưu văn hóa.

Mức thuế đối với các tác phẩm điện ảnh cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ. Nhà báo James Surowiecki cho rằng Tổng thống Trump không có quyền pháp lý để áp thuế phim, và gọi đây là hành động không dựa trên cơ sở khẩn cấp kinh tế hay an ninh quốc gia. Cựu cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ David Axelrod thì mỉa mai rằng, thuế phim không phải ưu tiên của người dân Mỹ, và so sánh với ý tưởng mở lại nhà tù Alcatraz của ông Trump. Trong khi đó, các hãng phim được kêu gọi khởi kiện tổng thống Mỹ nếu thuế được triển khai, báo hiệu nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến pháp lý.

Tuyên bố áp thuế 100% của Tổng thống Trump là một bước đi táo bạo nhưng đầy rủi ro. Dù mong muốn hồi sinh Hollywood, ý tưởng này của ông lại có thể làm tổn thương ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, từ các trung tâm sản xuất như Australia, Canada đến chính khán giả Mỹ.

Thiếu chi tiết cụ thể và các biện pháp hỗ trợ trong nước, thuế quan này được nhận định giống như một con dao hai lưỡi, có thể cắt đứt chính nền kinh tế và văn hóa mà Tổng thống Trump muốn bảo vệ. Ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đang chờ đợi động thái tiếp theo từ Washington, với hy vọng một giải pháp cân bằng hơn sẽ được đưa ra.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-dien-anh-doi-mat-song-gio-truoc-thue-phim-chua-tung-co-cua-ong-trump.694549.html