Ngành điện mặt trời châu Âu 'kêu cứu' vì khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc

Một hiệp hội của ngành điện mặt trời châu Âu cho biết sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Trung Quốc đang đẩy nhiều doanh nghiệp trong ngành tới bờ vực phá sản...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ngành công nghiệp điện mặt trời của châu Âu cảnh báo sự tràn ngập của thiết bị giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc đã đẩy một số nhà sản xuất của khu vực này tới bờ vực phá sản, cản trở nỗ lực của châu Âu trong việc tăng cường sản xuất tại chỗ thiết bị điện mặt trời.

Theo tờ Financial Times, SolarPower Europe - một hiệp hội của ngành điện mặt trời châu Âu - hôm thứ Hai đã gửi thư lên Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng lượng hàng tồn kho tăng mạnh và “sự cạnh tranh dữ dội” giữa các nhà sản xuất Trung Quốc để giành thị phần ở châu Âu đã đẩy giá mô-đun điện mặt trời giảm bình quân hơn 1/4 kể từ đầu năm đến nay.

“Điều này đặt ra rủi ro lớn đối với doanh nghiệp, đặt các công ty trước nguy cơ vỡ nợ, vì lượng hàng tồn kho lớn của họ bị giảm giá trị”, lá thư có đoạn viết.

Cũng theo bức thư, Crystals của Na Uy - một nhà sản xuất phôi sử dụng cho tế bào quang điện - đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng trước. Norsun, một công ty điện mặt trời Na Uy khác, mới đây cho biết sẽ tạm dừng sản xuất cho tới cuối năm.

Liên minh châu Âu (EU) đặt hy vọng năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng điện lớn nhất của khối, góp phần đưa khối tiến tới mục tiêu có 45% năng lượng điện từ các nguồn tái sinh. Đây là mục tiêu mà Quốc hội châu Âu dự kiến sẽ bỏ phiếu để thông qua trong tuần này.

Tuy nhiên, vị trí thống lĩnh của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của ngành năng lượng mặt trời dẫn tới việc các sản phẩm của nước này chiếm khoảng 3/4 tổng nhập khẩu trang thiết bị điện mặt trời của EU. Thực tế này làm dấy lên lo ngại rằng EU đang đi vào con đường lệ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực điện mặt trời, tương tự như việc phụ thuộc vào khí đốt Nga trong nhiều thập kỷ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh ở Ukaraine.

Chi phí sản xuất một mô-đun điện mặt trời ở châu Âu hiện đang cao gấp đôi so với mức giá giao ngay của mô-đun, theo SolarPower Europe.

EU đã tìm cách hạn chế sự cạnh tranh bất bình đẳng từ các nhà sản xuất Trung Quốc bằng cách áp thuế quan lên trang thiết bị điện mặt trời có nguồn gốc từ Trung Quốc vào năm 2012, sau khi Bắc Kinh triển khai chính sách hỗ trợ quy mô lớn đối với ngành công nghiệp điện mặt trời của nước này. Tuy nhiên, EU đã dỡ bỏ thuế quan đó vào năm 2018 nhằm thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trong khu vực, chỉ một năm trước khi EC công bố Trung Quốc là một “đối thủ hệ thống”.

Từ đó đến nay, Brussels chưa áp lại hàng rào thuế quan nói trên, dù gần đây đã hối thúc các công ty điện mặt trời châu Âu “giảm rủi ro” bằng cách dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc - một phần trong nỗ lực dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Giá trang thiết bị điện mặt trời giảm mạnh đồng nghĩa mục tiêu của EU đến năm 2030 tạo ra được một chuỗi cung ứng điện mặt trời có công suất 30GW đang đứng trước “rủi ro nghiêm trọng”, bức thư của SolarPower Europe nhấn mạnh. Ngành công nghiệp điện gió của châu Âu cũng đang đưa ra lời kêu gọi tương tự với EU, lo ngại rằng các nhà sản xuất turbine của khu vực sẽ không cạnh tranh nổi với đối thủ Trung Quốc.

Các nhà điều hành doanh nghiệp phương Tây trong lĩnh vực năng lượng tái sinh cũng đã cảnh báo về việc Trung Quốc đang trợ cấp mạnh mẽ và xây dựng các nhà máy pin xe điện, ở mức độ lớn hơn nhiều so với cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước - một xu hướng có thể gây trở ngại cho nỗ lực của châu Âu trong việc mở rộng sản xuất pin xe điện tại khu vực.

Bức thư của SolarPower được gửi đi đồng thời với một lá thư “kêu cứu” khác được ký bởi hơn 40 công ty năng lượng mặt trời gồm Meyer Burger của Thụy Sỹ và Heckert Solar của Đức.

Mức chi của châu Âu cho trang thiết bị điện mặt trời đã tăng từ 6 tỷ euro vào năm 2016 lên hơn 25 tỷ euro vào năm ngoái, dẫn tới tình trạng thừa mứa tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc trong các nhà kho châu Âu - theo lá thư thứ hai. Số lượng tế bào quang điện Trung Quốc đang được dự trữ ở châu Âu đủ để đáp ứng nhu cầu của khu vực trong 2 năm, lá thư cho biết.

Các nhà sản xuất Trung Quốc giờ đây đang giữ “lập trường bán phá giá trên thị trường châu Âu”, chào các hợp đồng 2 năm với mức giá liên tục thấp hơn so với giá trên thị trường giao ngay. Những thỏa thuận như vậy thường bao gồm các điều khoản về số đơn hàng tối thiểu và độc quyền, lá thư cho biết.

Cả hai lá thư đều đề xuất EC đưa ra một kế hoạch khẩn cấp để mua lại lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất trang thiết bị điện mặt trời châu Âu.

“Chúng tôi đều nhất trí rằng tình trạng giảm giá không được kiểm soát đặt ra rủi ro lớn đối với ngành, và các nhà lãnh đạo EU phải hành động khẩn cấp”, bà Walburga Hemetsberger, CEO của SolarPower Europe, nhấn mạnh.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-dien-mat-troi-chau-au-keu-cuu-vi-kho-canh-tranh-voi-hang-trung-quoc.htm