Ngành điện phải 'đi trước một bước' và đặt lợi ích quốc gia 'lên trên hết'
Quy hoạch điện 8 vừa được ban hành đã xác lập một chặng đường phát triển mới không thể đảo ngược, không có lựa chọn khác của ngành điện ở Việt Nam: chuyển từ điện than sang điện tái tạo.
Việt Nam đi đầu trong trào lưu xanh của thế giới
Trước hết, Quy hoạch điện VIII đã đặt ra mục tiêu rất khắc nghiệt hạn chế phát triển nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn: Đến năm 2030, nhiệt điện than chỉ còn chiếm 19% tổng công suất phát điện, giảm rất mạnh từ tỷ trọng của nhiệt điện than gần 33% hiện nay.
Trong khi đó, phát triển năng lượng tái tạo được đặt trọng tâm: đến năm 2030, tỷ lệ của điện gió trên bờ là 13,8%; điện gió ngoài khơi là 3,8%, điện mặt trời là 13%, bên cạnh các nguồn phát điện chính khác là thủy điện 18,5%, nhiệt điện khí trong nước 9,4% và nhiệt điện LNG 14,2%.
Để đạt mục tiêu phát triển điện mặt trời, bản quy hoạch đặt ra giải pháp là… dựa vào dân: Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.
Chưa bàn đến khả năng thực hiện các mục tiêu trên, bản Quy hoạch điện VIII chắc chắn phải được thiết kế đồng điệu với các cam kết quốc tế về chuyển đổi năng lượng mà Việt Nam ký kết tại hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu (COP26) tại Glasgow.
Tháng 12/2021, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050; và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Những cam kết tại hội nghị COP26, cho dù còn rất nhiều bàn cãi và mâu thuẫn, cho thấy Việt Nam đã gia nhập xu hướng chung của đa số quốc gia văn minh trên thế giới trong bối cảnh đất nước chịu tác động sâu sắc nhất về biến đổi khí hậu.
Ngay sau ký cam kết, tháng 2/2022, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu ông Frans Timmermans đã đến Hà Nội để trao đổi về cam kết của Việt Nam và hỗ trợ của EU để giảm thiểu khí thải nhà kính.
Ông nói với Tuần Việt Nam: Việt Nam đã có một bước tiến tham vọng khi đặt mục tiêu đưa lượng phát thải ròng về 0 trước năm 2050. Đây là một mục tiêu quan trọng và đòi hỏi trước nhất việc dừng các kế hoạch mới cho các dự án nhiệt điện than không có công nghệ giữ lại CO2, đồng thời giảm dần sản lượng điện than, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Cop26 với "Tuyên bố chuyển từ điện than sang điện sạch".
Cuối năm 2022, Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Theo thỏa thuận này, Việt Nam được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD để chuyển dịch năng lượng trong vòng 3-5 năm.
Xin điểm qua một số sự kiện nêu trên để khẳng định, Quy hoạch điện VIII đã xác lập một chặng đường phát triển mới không thể đảo ngược, không có lựa chọn khác của ngành điện ở Việt Nam: chuyển từ điện than sang điện tái tạo để theo xu hướng của thế giới văn minh.
Nhiệt điện than trước cơn lên đồng tập thể
Tuy nhiệt điện than được xác định giảm tỷ trọng trong cơ cấu nguồn phát điện, Việt Nam vẫn phải xây thêm hơn 5.000 MW điện than từ nay đến 2030, theo Quy hoạch điện VIII.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu này, trước hết cần thay đổi tâm thức xã hội, đặc biệt là ở các tỉnh đã từng tẩy chay nhiệt điện than trong suốt thời gian dài vừa qua.
Năm 2018, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng.
"Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng ở vị trí này thì xóa quy hoạch chứ không sử dụng nhiên liệu than, nhằm hạn chế những bất cập về môi trường", dữ liệu của VietNamNet còn lưu phát biểu của lãnh đạo Long An.
Không chỉ Long An, nhiều địa phương cũng đang quyết liệt từ chối điện than. Trong làn sóng tẩy chay đó, hàng loạt các dự án điện than đã không được thực hiện như ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và nhiều trung tâm điện khí mới được nhiều địa phương khác như Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận đề nghị bổ sung.
Đó là điều không bình thường, khác với Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh được phê duyệt tháng 3/2016. Theo đó, trong giai đoạn đến 2030, nguồn nhiệt điện than tăng trưởng rất cao, trung bình khoảng 21,6%/năm và tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các loại nguồn truyền thống; nguồn nhiệt điện than luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, từ gần 41% đến hơn 55% về công suất và từ hơn 49% đến 55% về sản lượng theo các mốc 2025 hoặc 2030.
Trước làn sóng tẩy chay đó, hai chuyên gia hàng đầu về năng lượng của Việt Nam là PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kĩ thuật Nhiệt Việt Nam và TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng đã liên tục phải đăng đàn phát biểu về nhiệt điện than.
Ông Hiến nói: “Để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết; nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau 2025”.
Còn ông Nghĩa nói: “Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại 300 – 400 năm nữa. Giá than cũng rẻ nhất”.
Song, ý kiến của các nhà khoa học bị nuốt chửng bởi làn sóng trào đó. Không nhà máy điện than nào theo bản Quy hoạch được đưa vào vận hành trong thời gian đó.
Theo báo cáo gần đây của Bộ Công thương, miền Bắc chậm khoảng 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam chậm khoảng 3.600 MW. Hay nói cách khác, gần 3,5 nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã không được xây dựng.
Điện mặt trời phát triển “đi trước một bước”
Trước thực tế đó, tháng 4/2017, Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành, theo đó, các dự án được hưởng giá FIT từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2019. Hết thời gian ưu đãi, đến tháng 4/2020 lại có Quyết định 13 áp dụng cho dự án đưa vào vận hành từ tháng 1-2019 đến năm 2020.
Cơ chế giá FIT (9,3 cent/kwh) đã thổi bùng đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo. Ước tính khoảng 20 tỷ USD, chủ yếu từ nguồn vốn tư nhân và nước ngoài, đã được huy động vào phát triển điện ở Việt Nam, theo Bộ Công thương.
Việc thử nghiệm giá FIT, nói một cách công bằng và khách quan, cho thấy thành công của huy động vốn tư nhân và nước ngoài vào năng lượng tái tạo, đồng thời chỉ ra giá bán lẻ hiện tại không thể duy trì nếu muốn tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Nhiều vùng đất hoang hóa, khô cằn tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông... đã được khai thác sử dụng để lắp đặt các nhà máy điện mặt trời, điện gió, đem lại giá trị kinh tế, xã hội to lớn cho địa phương. Nhiều cánh đồng điện gió, điện mặt trời xen kẽ với cánh đồng lúa, cánh đồng tôm cá, cánh đồng muối ở các tỉnh duyên hải đã giúp gia tăng giá trị sử dụng đất, đem lại công ăn việc làm cho người dân tại các địa phương.
Phương thức cấp điện đã có thay đổi lớn từ việc cấp điện tại các trung tâm điện lực quy mô lớn với các đường dây truyền tải điện 500 kV dần chuyển sang cấp điện phân tán, sử dụng tại chỗ theo khu vực góp phần giảm tổn thất truyền tải điện, tăng tính linh hoạt và hiệu quả cho hệ thống điện.
Theo Bộ Công thương, trong các năm 2019, 2020, 2021 và 2022 sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh, 29 tỷ kWh và 34 tỷ kWh, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao.
Trong năm 2022, giá nhiên liệu than và dầu khí tăng cao, đặc biệt sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, dẫn đến giá thành sản xuất điện năng từ nguồn truyền thống tăng lên. Từ tháng 3/2022, giá than nhập tăng lên tới 300-400 USD/tấn, dẫn đến giá thành sản xuất điện của nhiệt điện than tăng lên tới 3.000 đ/kWh (khoảng 13 US cent/kWh), cao hơn nhiều so với giá mua điện từ nguồn điện gió, điện mặt trời.
Không có nguồn điện năng lượng tái tạo này, chắc chắn lỗ của EVN sẽ cao hơn nhiều so với báo cáo.
Đòi hỏi tiếp theo từ thực tiễn
“Thành quả về phát triển năng lượng điện tái tạo là tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng xanh bằng chính năng lực nội tại của quốc gia đã đặt ra trong Quy hoạch điện VIII”, chuyên gia Tô Văn Trường đánh giá.
Ai bù đắp thiếu điện?Thông điệp “tình trạng nguy cấp” về thiếu điện liên tục được phát đi, nỗi sợ “cắt điện luân phiên” đang ngày một rõ. Vì sao có tình trạng này?
Nhưng trước mắt, cần xử lý ngay những nút thắt hiện nay. Đó là 34 dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành đầu tư, xây dựng với tổng trị giá ước tính hàng lên đến 85 nghìn tỷ đồng đang “đứng im” không bán được điện suốt hơn một năm qua “vô cùng xót xa”.
Cần có chính sách để thu mua điện của các chủ đầu tư này, nếu họ được cấp phép đầy đủ, nhất là khi điện đang thiếu ở nhiều nơi trong mùa khô này. Xử lý được các dự án này sẽ vừa không lãng phí một nguồn lực khổng lồ, vừa tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư tiềm năng, hoặc ngược lại.
Cũng cần phải có cái nhìn thực tế về nhiệt điện than trong bối cảnh nguồn điện này vẫn có giá cả phù hợp nhất vì không ít quốc gia vẫn đang phát triển loại năng lượng này. Phương án điện hạt nhân cũng cần được cân nhắc, khởi động lại.
Và quan trọng nhất, cần thu hút thêm được các nhà đầu tư tư nhân vào ngành điện qua đổi mới cơ chế điều hành giá điện và qua cách ứng xử với các nhà đầu tư hiện nay. Vốn đầu tư vào ngành điện lên tới gần 14 tỷ USD trung bình mỗi năm là rất lớn. Các nhà đầu tư cần được đảm bảo lợi nhuận, họ nhìn vào các nhà đầu tư hiện nay mà ra quyết định có đầu tư hay không.
Những nỗ lực đó và nhiều hơn nữa rất cấp bách để đáp ứng quan điểm: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước, phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.